Giáo dục lối sống cho học sinh từ xây dựng văn hóa học đường

Hằng Nga 14:11, 22/06/2023

Nhằm xây dựng, phát triển trường học thành môi trường giáo dục lành mạnh, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã quan tâm giáo dục văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh (HS).

Trường THPT Đại Từ luôn quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong ảnh: Giáo viên môn Lịch sử giới thiệu cho học sinh về Khu di tích lịch sử 27/7.
Trường THPT Đại Từ luôn quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong ảnh: Giáo viên môn Lịch sử giới thiệu cho học sinh về Khu di tích lịch sử 27/7.

Toàn tỉnh hiện có 694 đơn vị trường học với tổng số hơn 341 nghìn HS; trên 25 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018-2025” theo Quyết định 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

Bám sát kế hoạch hướng dẫn của Sở GDĐT, các trường học trên địa bàn đã xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Đại Từ có quy mô 46 lớp với 1.983 HS, là trường có số lớp, lượng HS đông nhất tỉnh khối THPT. Những năm qua, Nhà trường luôn coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng cho HS về tình yêu quê hương, đất nước; bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử. 

Tham dự một tiết học môn Lịch sử tại lớp 12A15, Trường THPT Đại Từ, chúng tôi khá ấn tượng với bài giảng của cô giáo Dương Thị Kiều Anh. Để giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, văn hóa cho HS trước tác động tiêu cực của không gian mạng, ngoài những kiến thức cơ bản có trong giáo trình giảng dạy, giáo viên đã khai thác nhiều tài liệu về lịch sử, văn hóa địa phương, sử dụng các hình ảnh minh hoạ, trình chiếu giúp HS dễ hiểu, thích thú hơn với môn học.

Kết thúc tiết học, em Ngô Thị Ngọc Thảo lớp 12A15 hào hứng nói: Không riêng giờ dạy của cô Kiều Anh, nhiều môn học khác, giáo viên cũng lồng ghép các nội dung về kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, giáo dục kiến thức pháp luật và tư vấn cho chúng em. 

Theo cô giáo Đặng Thị Kim Liễu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ, cùng với công tác tuyên truyền, Nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) thu hút đông đảo HS tham gia như: CLB Sách và hành động; CLB Tiếng Anh, CLB Vẽ, CLB Âm nhạc và các CLB thể thao nhằm đưa các em vào hoạt động bổ ích, tránh thời gian vô bổ trên mạng... 

Xây dựng quy tắc ứng xử giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp là cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục. Xác định rõ tầm quan trọng đó, Trường THCS Nha Trang (TP.Thái Nguyên) đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục cho HS về cách ứng xử có văn hoá trong trường học thông qua các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, lồng ghép vào một số môn học. 

Cô giáo Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Nha Trang, cho rằng: Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Song song với việc giảng dạy kiến thức thì những nội dung khác như giáo dục kỹ năng sống, giáo dục về văn hóa, lịch sử... được Nhà trường lồng ghép trong các môn học, sinh hoạt đoàn, đội, đặc biệt là chương trình giáo dục địa phương. 

Từ năm học 2019-2020, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch về nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục văn hóa ứng xử trường học và triển khai thực hiện.

Một số trường học triển khai xây dựng thông điệp văn hóa nhà trường. Tiêu biểu như Trường THPT Gang thép (TP.Thái Nguyên) đã xây dựng các thông điệp văn hóa mà thầy, trò Nhà trường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, như: “5 xin” trong giao tiếp (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin góp ý, xin cảm ơn); “5 luôn” khi tiếp xúc (luôn dạy tốt, học tốt; luôn mỉm cười thân thiện; luôn nhẹ nhàng, lịch thiệp; luôn thấu hiểu, chia sẻ; luôn nhiệt tình, giúp đỡ; “5 không” khi ở trường (không mang vũ khí, chất dễ gây cháy nổ, thuốc lá, các chất gây nghiện đến trường; không mang dụng cụ, thiết bị ra ngoài phòng học; không vứt rác bừa bãi, không mang quà bánh lên khu vực lớp học; không nói tục, chửi bậy; không mất trật tự, không làm việc riêng trong giờ học; “3 nhớ” và “1 đừng quên” trước khi ra về (nhớ lau sạch bảng sau mỗi giờ học và cuối buổi học; nhớ thu gom rác, phế thải để đúng nơi quy định; nhớ kê lại bàn ghế, đồ dùng trong phòng; đừng quên tắt các thiết bị điện trước khi ra về).

Để công tác xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học thật sự có hiệu quả, thời gian tới, Sở GDĐT tiếp tục chỉ đạo các phòng GDĐT, cơ sở giáo dục duy trì, phát huy hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng văn hóa ứng xử...



Cách viết writing task 1 The IELTS Workshoplộ trình học ielts 5.0