Lại chuyện dạy thêm, học thêm

Đồng Nam 09:26, 18/06/2023

Dạy thêm, học thêm không là chủ đề mới mà đã được đề cập đến nhiều năm qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có thông tư hướng dẫn về vần đề này. Thậm chí có địa phương còn từng có quy định riêng với nhà trường, giáo viên. Tuy nhiên, chuyện dạy thêm, học thêm vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Ngoài giờ học chính, việc học thêm đã trở nên phổ biến, quen thuộc đối với học sinh ngay từ bậc tiểu học. Ngoài những môn văn hóa, các bậc phụ huynh còn cho con học thêm các môn năng khiếu khiến học sinh gần như kín lịch. 

Về bản chất, việc dạy thêm, học thêm không xấu, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của người học, nhất là với các em học sinh có học lực yếu, việc học thêm sẽ giúp các em bổ sung kiến thức nhằm theo kịp chương trình học cơ bản, không bị tụt lại quá xa so với các bạn.

Còn các bậc phụ huynh, ai cũng mong muốn con mình học giỏi, kiến thức ngày càng sâu rộng, vững vàng nên cho con học thêm. Bên cạnh đó, giáo viên dạy thêm ngoài giờ, bằng sức lao động, năng lực của mình để tăng thêm thu nhập, củng cố kiến thức cho học sinh theo yêu cầu là điều chính đáng. Do vậy, dạy thêm, học thêm như một quy luật cung - cầu tất yếu.

Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng bàn nếu chuyện dạy thêm, học thêm diễn ra một cách tự nhiên, khách quan, trên tinh thần tự nguyện của người dạy, người học. Nhưng ngay sau khi kết thúc năm học vừa qua, một số phụ huynh lại tỏ ra khá buồn, có phần bức xúc xunh quanh vấn đề này.

Một phụ huynh có con vừa học xong bậc tiểu học bày tỏ: Bước vào đầu năm học, lớp con tôi có cô giáo chủ nhiệm mới. Ngay sau buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo đã thông báo sẽ mở lớp dạy thêm tại nhà để củng cố kiến thức cho các em học “đuối” và nâng cao kiến thức cho các em có nguyện vọng thi vào các trường điểm. Cả lớp có nhiều em theo lớp học thêm của cô. Con tôi vì không học thêm nên gần như cả năm học không được quan tâm, thậm chí cô còn có phần “khắt khe”, “phân biệt đối xử” so với các bạn khác có đi học thêm. Cuối năm học, hồ sơ học bạ của con tất nhiên không “đẹp” như các bạn...  Như vậy, liệu có phải không đi học thêm nên con chịu thiệt thòi? Việc không học thêm vô hình đã tạo áp lực cho các con và phụ huynh.

Một phụ huynh khác chia sẻ: Trước khi con vào học lớp cuối cấp, gia đình tôi đã cho con học thêm ở một trung tâm gần nhà. Tuy nhiên, khi biết cô chủ nhiệm của con mở lớp dạy thêm, tôi lại đăng ký cho con để mong có được sự quan tâm, kèm cặp “đặc biệt”. Sau vài tháng theo học, tôi thấy việc đưa đón con học thêm ở 2 nơi rất vất vả, bất tiện vì xa nhà. Hơn nữa, kiến thức không khác gì con được dạy ở trung tâm, nhưng không dám cho con nghỉ vì sợ ảnh hưởng đến thành tích và học bạ của con khi đăng ký thi vào các trường điểm của thành phố nên đành cố theo cho đến cùng.

Và mới đây, khi kỳ thi tuyển vào các trường THCS và THPT kết thúc, không ít học sinh và phụ huynh có chung nhận định: Việc ôn, học thêm với chính các thầy, cô đang dạy ở trường tổ chức thi tuyển (đối với bậc THCS), học sinh được ôn luyện, hướng dẫn rất sát với đề thi…

Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi vậy, ngoài việc dạy thêm, học thêm theo quy định, các bậc phụ huynh cũng rất mong các thầy, cô giáo dạy thêm bằng cái tâm trong sáng của nhà giáo, theo tinh thần tự nguyện, tránh tình trạng thương mại hóa, tạo áp lực cho học sinh, phụ huynh.



Tìm hiểu điểm sat là gì