Quảng bá giá trị lịch sử gắn với phát triển du lịch:
Không chỉ là sách giáo khoa

Hằng Nga 09:24, 17/06/2023

Dự án xây dựng cẩm nang song ngữ giới thiệu về di tích lịch sử địa phương được thực hiện bởi nhóm học sinh Trường THPT Đại Từ có ý nghĩa thực tiễn cao. Là Dự án khởi nghiệp, không chỉ có hàm lượng khoa học, đây còn là tâm huyết của nhóm tác giả nhằm góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, phát triển du lịch văn hóa - lịch sử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế.

Cuốn Cẩm nang song ngữ: “Hành trình khám phá di sản Thái Nguyên” được giáo viên Trường THPT Đại Từ giới thiệu trong tiết dạy lịch sử địa phương cho các lớp học.
Cuốn Cẩm nang song ngữ “Hành trình khám phá di sản Thái Nguyên” được giáo viên Trường THPT Đại Từ giới thiệu trong tiết dạy lịch sử địa phương.

Cẩm nang song ngữ “Hành trình khám phá di sản Thái Nguyên - Thai Nguyen’s Heritages discovery journey” do nhóm tác giả Ngô Thị Ngọc Thảo, Chu Trung Hiếu, Vũ Hải Minh, lớp 12A15, Trường THPT Đại Từ thực hiện. Cuốn sách đã giới thiệu 18 di sản văn hóa - lịch sử cấp Quốc gia, thắng cảnh tiêu biểu có giá trị khai thác du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh.

Các điểm di tích, như: Địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (1949); Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1954) tại đồi Thành Trúc (Đại Từ); Cụm di tích Kha Sơn (Phú Bình); Nơi thành lập Cơ quan chỉ huy Chiến khu Nguyễn Huệ (Đại Từ)... đến thắng cảnh thác Khuôn Tát (Định Hóa), hang Phượng Hoàng (Võ Nhai)… được giới thiệu công phu, với những hình ảnh đẹp. 

Ngoài việc trải nghiệm các nội dung trên sách in, với cuốn cẩm nang này, độc giả còn được tiếp cận một số hình thức số hóa kèm theo, là ebook (sách điện tử). Khi giới thiệu mỗi điểm di tích, thắng cảnh, nhóm còn thiết kế ra mã QR chứa thông tin định vị trên Google Maps của địa điểm đó.

Cuốn cẩm nang song ngữ “Hành trình khám phá di sản Thái Nguyên - Thai Nguyen’s Heritages discovery journey” hóa thân thành "người hướng dẫn viên" đưa người đọc đến với hành trình khám phá mảnh đất Thái Nguyên.

Trò chuyện với chúng tôi, em Ngô Thị Ngọc Thảo, thành viên nhóm tác giả Dự án, cho rằng: Những di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào chương trình lịch sử địa phương và chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua đó góp phần giáo dục tình yêu quê hương, truyền thống cách mạng cho các thế hệ học sinh. Tuy nhiên, chưa có những sản phẩm chuyển đổi số đi sâu vào số hóa di sản phục vụ tuyên truyền, giáo dục nói riêng và phát triển dịch vụ du lịch nói chung.

Dự án cẩm nang song ngữ “Hành trình khám phá di sản Thái Nguyên - Thai Nguyen’s Heritages discovery journey” được thực hiện từ tháng 7 đến hết tháng 11/2022. Đây là năm học cuối cấp của nhóm tác giả nên việc thực hiện Dự án khá vất vả. Theo em Vũ Hải Minh: Ngoài yếu tố thời gian thì kinh phí thực hiện Dự án của chúng em rất eo hẹp. Chúng em phải mua bản quyền phần mềm đồ họa, biên tập; đi điền dã khai thác tài liệu; thử nghiệm in ấn và xuất bản. Mặt khác, khi chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh với nhiều thuật ngữ chuyên ngành nên chúng em phải tìm hiểu và xin ý kiến của các thầy, cô giáo dạy môn Ngoại ngữ.

Tính thiết thực của Dự án này được đánh giá ở việc ứng dụng chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Bên cạnh việc khuyến khích việc học tập, sử dụng ngoại ngữ, việc giới thiệu song ngữ các di sản tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên bằng tiếng Việt và tiếng Anh còn giúp cuốn sách tiếp cận được nhiều học giả, khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Sản phẩm kèm theo các tiện ích cho du lịch, như: lịch trình di chuyển của các phương tiện giao thông công cộng đến di sản; thông tin lưu trú nhà nghỉ - khách sạn; các công ty lữ hành du lịch nhận tuor du lịch văn hóa... tại Thái Nguyên.

Dự án đã đạt giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên tỉnh Thái Nguyên năm 2022. Hiện nay, nhóm học sinh thực hiện Dự án đã lên kế hoạch phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo độc giả, khách du lịch.