Đào tạo từ xa: Người học hưởng lợi ích kép

Hằng Nga 07:13, 26/07/2023

Ðào tạo từ xa (ÐTTX) là một trong những hình thức góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực và cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng quá trình hội nhập sâu rộng như hiện nay thì việc nắm bắt thông tin hay học tập càng trở nên thuận lợi. Với những lợi thế nêu trên, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) trở thành đơn vị tiên phong triển khai phương pháp học này.

Trung tâm Đào tạo từ xa - Đại học Thái Nguyên tổ chức Lễ khai giảng chương trình Đào tạo cử nhân TNU-E.Learning (ảnh CTV).
Trung tâm Đào tạo từ xa - Đại học Thái Nguyên tổ chức Lễ khai giảng chương trình Đào tạo cử nhân TNU-E.Learning (ảnh CTV).

Hình thức ÐTTX không bị hạn chế về thời gian, địa điểm, tăng khả năng tự học và người học không bị ràng buộc bởi thời gian eo hẹp khi bận công tác hoặc do hoàn cảnh gia đình.

Hình thức học này rất phù hợp với những người lao động do nhu cầu công việc cần phải được đào tạo nâng cao trình độ, cập nhật kỹ năng nghề nghiệp nhưng không có nhiều thời gian.

ÐTTX giảm khá nhiều chi phí bởi người dạy và người học không nhất thiết phải lên lớp trong suốt thời gian đào tạo.

Người học qua hình thức ÐTTX phần lớn tự học qua học liệu như: Giáo trình, băng hình, phần mềm vi tính, truyền thông, đa phương tiện… dưới sự tổ chức, trợ giúp của nhà trường.

Ở Việt Nam hiện nay có các hình thức ÐTTX, gồm: Ðào tạo kiểu truyền thống người học tự học tập, nghiên cứu qua giáo trình, tài liệu, sau đó có sự hướng dẫn trực tiếp giải đáp một số buổi trên lớp; đào tạo trực tuyến (E- Learning).

Năm 2012, Trung tâm Đào tạo từ xa ĐHTN được thành lập. Thời điểm này, Trung tâm đã triển khai ÐTTX các ngành: Luật, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Thông tin thư viện. Sau phát triển thêm các ngành: Luật kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Công nghệ thông tin, Tài chính ngân hàng. Đến nay có thêm các ngành mới: Ngôn ngữ Anh, Kỹ thuật điện tử viễn thông, Thương mại điện tử...

Các trường thành viên của ĐHTN đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng ÐTTX. Một trong những vấn đề được quan tâm là các giải pháp nâng cao kỹ năng tự học, sự tương tác giữa người dạy và người học trong đào tạo từ xa.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo, giảng viên Trường Đại học Khoa học: Để hỗ trợ và phát huy năng lực tự học của học viên thì bản thân chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi tư duy, nhận thức và thói quen của người học, người học cần hiểu rõ đặc thù của hình thức đào tạo. Thông qua việc hiểu được đặc thù của mô hình đào tạo, người học sẽ có những điều chỉnh, thay đổi về nhận thức và thói quen trong học tập. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, các giảng viên luôn quan tâm đến sự tương tác giữa người dạy và người học trong ÐTTX để tạo động lực và hỗ trợ cho quá trình tự học của học viên.

Học viên trao đổi về hình thức học E-Learning (ảnh CTV).
Học viên trao đổi về hình thức học E-Learning (ảnh CTV).

Cùng với hỗ trợ học viên, để nâng cao công tác quản lý đối với người học theo phương thức E-Learning - một hình thức học tập và giảng dạy từ xa dựa trên các thiết bị công nghệ hiện đại, có kết nối Internet, theo TS. Nguyễn Thị Nội, giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh: Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi đã xây dựng cơ chế thúc đẩy và kiểm soát các hoạt động tương tác giữa giảng viên - sinh viên, sinh viên - sinh viên nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học. Mặt khác là nâng cao hiệu quả các công cụ, tiện ích, phần mềm trên hệ thống học trực tuyến để triển khai lớp học, như: Diễn đàn thảo luận, lớp học ảo, các ứng dụng chat…

Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin là điều kiện thuận lợi để phát triển giáo dục từ xa và ÐTTX là xu thế tất yếu của giáo dục đại học.

Đặc biệt, trong gần 3 năm qua, thế giới chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19, do đó nhu cầu công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục đào tạo với hình thức đào tạo trực tuyến đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, đào tạo E-Learning trong giai đoạn này đã phát triển vượt bậc.

Với những lợi thế đó, sau hơn 10 năm thành lập, Trung tâm ÐTTX ĐHTN đã phát triển thêm mạng lưới các trạm đào tạo từ xa ở nhiều địa phương, như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Năm 2022, Trung tâm tuyển sinh đạt 2.162 học viên, trong đó riêng ngành Ngôn ngữ Anh có 1.113 học viên đăng ký theo học.

Hiện, Trung tâm có hơn 5.000 học viên đang theo học và gần 10.000 học viên đã tốt nghiệp, nhận bằng đại học theo hình thức ĐTTX.

Trong thời kỳ giáo dục đang bước vào quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, việc Thái Nguyên có 1 trung tâm ĐTTX đã bắt kịp xu thế của nền giáo dục thế giới, đây sẽ là sự lựa chọn tin cậy của người học, uy tín đối với xã hội, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xã hội hóa học tập, học tập suốt đời, tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.