"Sinh sau đẻ muộn", các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh chưa thể so sánh cả về quy mô lẫn bề dày thành tích với các trường công lập. Song, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới trường lớp ngoài công lập đã góp lời giải hay cho “bài toán khó” về quá tải trường lớp. Đây cũng là xu hướng tất yếu phù hợp với sự phát triển của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Giáo viên Trường THPT Võ Nguyên Giáp (TP. Phổ Yên) rà soát hồ sơ tuyển sinh khối 10. |
Giảm áp lực trường công
Đầu tháng 6-2023, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định cho phép thành lập Trường THPT Võ Nguyên Giáp tại phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên. Trường THPT Võ Nguyên Giáp được tổ chức và hoạt động theo quy chế, hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.
Sau khi thẩm định các điều kiện, Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cấp phép hoạt động đối với Trường THPT Võ Nguyên Giáp. Nhà trường thực hiện tuyển sinh lớp 10 từ năm học 2023-2024.
Thực tế tại Trường THPT Võ Nguyên Giáp, chúng tôi nhận thấy song song với công tác tuyển sinh, Nhà trường đang cho thợ sơn sửa, lắp đặt các trang thiết bị dạy học. Mọi công việc dự kiến hoàn thành trước ngày 15/7/2023 để sẵn sàng đón học sinh (HS) vào năm học mới.
Năm học 2023-2024, Trường được giao tuyển 280 chỉ tiêu, đến thời điểm này đã tuyển được trên 110 HS, chủ yếu ở 3 thành phố: Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên.
Cô giáo Trịnh Thị Út, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Nguyên Giáp, thông tin: Với bề dày kinh nghiệm quản lý tại trường công lập, về nghỉ hưu, tôi tiếp tục tham gia làm quản lý Trường THPT Đào Duy Từ gần 10 năm. Về ngôi trường mới này, bản thân tôi sẽ cố gắng phát huy kinh nghiệm đã tích lũy để xây dựng Nhà trường phát triển vững chắc. Đội ngũ giáo viên cơ hữu của Trường THPT Võ Nguyên Giáp đều là giáo viên mới nghỉ chế độ của Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, giáo viên thỉnh giảng đến từ các trường THPT trên địa bàn. Bước khởi đầu còn nhiều khó khăn song với quyết tâm cao của Ban Giám hiệu Nhà trường, các thầy cô giáo, chúng tôi sẽ không phụ sự mong đợi của phụ huynh, HS.
Trong 9 địa phương của tỉnh, TP. Thái Nguyên dẫn đầu về số trường ngoài công lập. Hiện, thành phố có 150 trường mầm non, tiểu học, THCS, trong đó 124 trường công lập, 26 trường ngoài công lập, 29 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Hầu hết các trường ngoài công lập được đầu tư xây dựng theo hướng chất lượng cao, áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến.
Đơn cử như hệ thống các trường mầm non, tiểu học Hoa Trạng Nguyên. Từ Trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên đầu tiên thành lập tháng 7-2010, đến nay, hệ thống này đã phát triển thành 7 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh (TP. Thái Nguyên 5 trường, TP. Phổ Yên và TP. Sông Công mỗi địa phương 1 trường).
Theo cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non quốc tế Hoa Trạng Nguyên: Những năm trước, đa số các trường công lập trên địa bàn TP. Thái Nguyên đều quá tải, có những lớp học lên đến 40-45 cháu khiến cho công tác tổ chức, sắp xếp giảng dạy, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ rất khó khăn. Nhưng từ khi có chủ trương, cơ chế, chính sách xã hội hóa, các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đến nay không còn tình trạng quá tải ở các trường công lập nữa. Các trường tư thục đã góp phần san sẻ, gánh đỡ hàng nghìn HS cho các trường công lập. Riêng năm học 2022-2023, 7 trường thuộc hệ thống Hoa Trạng Nguyên đã thu hút gần 1.400 HS theo học.
Giáo viên Trường Mầm non quốc tế Hoa Trạng Nguyên cho học sinh mẫu giáo tham gia các trò chơi. |
Trường tư ngày càng “hút” học sinh...
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 698 cơ sở giáo dục, trong đó có 38 trường ngoài công lập. Các trường ngoài công lập ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục của tỉnh. Cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học ở các trường ngoài công lập ngày càng được nâng cao, thu hút nhiều HS.
Không ít phụ huynh ngay từ cấp mầm non đã lựa chọn cho con học trường ngoài công lập. Có phụ huynh khi con chuyển cấp thì đăng ký thi vào trường ngoài công lập. Chị Đinh Thị Liễu ở phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên, có con học lớp 9, Trường Tiểu học và THCS 915. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, gia đình chị và cháu quyết định đăng ký thi vào Trường THPT Đào Duy Từ.
Theo chị Liễu: Đại đa số phụ huynh đều mong muốn con được học trong môi trường tốt. Tôi đã nghiên cứu kỹ về Trường THPT Đào Duy Từ và quyết định đăng ký cho cháu học lớp IELTS. Để sau khi tốt nghiệp THPT, ngoài mục tiêu ban đầu thi khối gì thì tập trung học khối đó, con sẽ có thêm chứng nhận IELTS 5.5, là một trong nhiều điều kiện thuận lợi trong xét tuyển vào đại học. Mức học phí 3,4 triệu đồng/tháng bao gồm cả học IELTS, học thêm, tôi cho rằng phù hợp.
Ngoài những đơn vị có tiềm lực kinh tế đầu tư xây dựng trường học theo chuẩn quốc tế như Trường Tiểu học, THCS và THPT Iris School; Trường Mầm non Sunrise Kids… rất nhiều trường mầm non ngoài công lập tuy quy mô chưa lớn, song đã thu hút được nhiều HS.
Đơn cử như Trường Mầm non Happy Kids tại phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên). Từ nhóm trẻ gia đình (thành lập tháng 7-2009), đến năm 2018, Trường đầu tư cơ sở 2 tại tổ 8, phường Quang Trung. Hiện 2 cơ sở của Trường có 11 lớp với trên 200 HS.
2 năm trở lại đây, mức độ cạnh tranh tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khá cao, đặc biệt là các trường khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, trong số trên 19 nghìn HS khối 9 có gần 16 nghìn HS đăng ký thi vào lớp 10. Như vậy vẫn có hơn 2.000 HS không đỗ vào các trường THPT phải đăng ký học hệ giáo dục thường xuyên, học nghề… Trong khi nhiều gia đình mong muốn cho con học văn hóa chứ chưa muốn học nghề sớm.
Sự ra đời của các trường ngoài công lập đã giải quyết nhiều khó khăn cho ngành Giáo dục địa phương từ cơ sở vật chất, nhu cầu học tập đến việc làm cho giáo viên, nhân viên. Thêm vào đó, mức học phí trung bình trên dưới 1 triệu đồng/HS/tháng đối với hệ mầm non, phổ thông đã phần nào xóa bỏ được định kiến “trường tư thục chỉ dành cho con nhà có điều kiện”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin