Theo mục tiêu Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo (GDĐT) giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên phấn đấu nâng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đi học đạt 35%. Qua rà soát của ngành Giáo dục, tỷ lệ này hiện nay thấp hơn một số tỉnh trong khu vực. Để tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp thì việc ban hành các chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, học phí chính là gói “tiếp sức” để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngay từ bậc học đầu tiên.
Huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp sớm sẽ giúp các em có nền tảng tốt cho bậc học cao hơn. Trong ảnh: Giờ vui chơi của học sinh Trường Mầm non Phú Tiến, Định Hóa. |
Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Phú Tiến (Định Hóa) có 9 nhóm lớp với tổng số 214 học sinh. Học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm 91,6%. Tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ là 41/124 cháu, bằng 33,3%. Tỷ lệ huy động này so với các trường trên địa bàn huyện không thấp, nhưng để đạt 35% vào năm 2025 là rất khó.
Không riêng Trường Mầm non Phú Tiến, năm học 2022-2023, với Trường Mầm non Đắc Sơn (TP. Phổ Yên), tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp cũng chỉ đạt 25-26%.
Theo báo cáo của Sở GDĐT, trong 2 năm học gần đây, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt từ 31,7 đến 32,5% thấp hơn các tỉnh trong vùng như: Tuyên Quang 45%, Lạng Sơn 43,5%, Hòa Bình đạt 35,9%...
Phần lớn hộ gia đình có con trong độ tuổi nhà trẻ, nhất là khu vực nông thôn, miền núi vẫn có tâm lý cho con ở nhà với ông bà đến tuổi mẫu giáo (3 tuổi trở lên) mới đưa đến trường.
Trước khó khăn đó cần phải có giải pháp để tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến lớp. Sở GDĐT đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa và hỗ trợ học phí đối với trẻ em nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh quản lý.
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GDĐT: Khi tham mưu cho tỉnh chính sách này, Sở phải tính toán và tiến hành việc đánh giá tác động của chính sách đối với sự phát triển giáo dục trong giai đoạn tới. Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, Sở GDĐT sẽ phối hợp với các địa phương rà soát điều kiện về cơ sở vật chất để đảm bảo huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, đạt chỉ tiêu Chương trình phát triển GDĐT giai đoạn 2021-2025 đề ra.
Giờ vui chơi của học sinh Trường Mầm non Đắc Sơn, TP. Phổ Yên. |
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, cho rằng: Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội tại nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh, hầu hết các chính sách hiện hành của Chính phủ nhằm phát triển giáo dục mầm non đều đang hướng đến lứa tuổi trẻ mẫu giáo, còn trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ thì chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt sống ở thôn, xóm đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Đối tượng hỗ trợ tiền ăn trưa và học phí là trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh quản lý. Đối tượng hỗ trợ là trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em có cha (mẹ) hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn, xóm đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em là con của liệt sĩ, con của thương binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của bệnh binh; con của một số đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
Mức hỗ trợ tiền ăn trưa dự kiến là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Riêng đối với hỗ trợ học phí, tùy điều kiện, đối tượng, mức hỗ trợ sẽ thực hiện tương ứng với các mức 100%, 70%, 50%. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế nhưng không quá 9 tháng học/năm học.
Nội dung này vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XIV, đây là một quyết sách hợp lòng dân, mang tính nhân văn cao, tạo cơ hội cho một bộ phận trẻ em nhà trẻ trên địa bàn tỉnh được học tập, có nền tảng tốt khi bước vào bậc học cao hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin