Trong môi trường giáo dục, trường học không chỉ là nơi dạy cho học sinh tri thức mà còn là nơi dạy cho các em về nhân cách, đạo đức của con người. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử giữa giáo viên và người học.
Trong quá trình tác nghiệp, bản thân tôi nghe không ít những câu chuyện về cách ứng xử của giáo viên đối với học sinh. Có nhiều câu chuyện hay về những tấm gương nhà giáo mãi in đậm trong tâm trí học sinh và phụ huynh, song bên cạnh đó cũng có không ít những câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử của giáo viên với học sinh.
Một phụ huynh bức xúc chia sẻ với tôi: Con trai em đi học về kể cô giáo chủ nhiệm trong giờ dạy ra ngoài hành lang nói chuyện cùng cô giáo khác, khi về lớp, cô thấy học sinh mất trật tự, cô bảo: “Ý thức của các cô, các cậu không bằng… con vật”. Để kiểm chứng lời cô nói, em đã hỏi một học sinh khác và bạn ý cũng kể tương tự. Em không hiểu cô giáo đó nghĩ gì khi dùng những từ ngữ như vậy đối với học sinh của mình.
Trong giờ dạy kỹ năng sống, một cô giáo nói với học sinh về người khuyết tật, cô này cho rằng nếu khuyết tật nặng thì thà chết cho đỡ khổ. Sau khi nghe lời cô giáo dạy trên lớp, một học sinh đã về hỏi bố mẹ: Bố mẹ vẫn lấy những tấm gương các anh, chị khuyết tật vươn lên trong cuộc sống để dạy con phải cố gắng hơn nữa, vì mình mạnh khỏe mà học tập chưa tốt. Tại sao cô giáo con lại nói như vậy? - Một phụ huynh bức xúc kể với tôi.
Từ hai câu chuyện trên cho thấy văn hóa ứng xử giữa giáo viên và người học hiện nay có rất nhiều chuyện đáng bàn. Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, vì thế, mỗi thầy, cô giáo trước tiên phải giữ được hình ảnh mẫu mực của mình trước học trò, phụ huynh, luôn là người gương mẫu, đúng mực, nghiêm túc về cách đi đứng, ăn nói với người xung quanh, là tấm gương sáng để học sinh học tập.
Điều đó đã được cụ thể hóa qua Điều 6, Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc ứng xử của giáo viên đối với người học: “Đối với người học, giáo viên dùng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học”.
Thiết nghĩ, trong quá trình giảng dạy và giáo dục, muốn nâng cao văn hóa ứng xử của bản thân và được học sinh kính mến, bản thân người giáo viên phải luôn chuẩn mực trong lời nói, việc làm hàng ngày.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin