Giáo dục Stem có vai trò phát triển các năng lực và phẩm chất như tự chủ, sáng tạo, tự định hướng, nâng cao hứng thú học tập cho học sinh (HS) trong các môn học thuộc lĩnh vực Stem. Trong những năm học gần đây, giáo dục Stem là nội dung được Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Thái Nguyên khuyến khích các nhà trường quan tâm, đẩy mạnh, nhằm đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học.
Lớp học “Thiết kế sản phẩm và công nghệ in 3D” dành cho các em học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên. |
Có mặt tại THPT Gang thép đúng ngày Trường phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Stem, chúng tôi nhận thấy cán bộ, giáo viên, đặc biệt là HS rất hào hứng.
Ngày hội Stem có trên 40 sản phẩm thuộc các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, khoa học - công nghệ. Nổi bật là các mô hình tái chế bảo vệ môi trường, nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực ứng dụng vật lý, sinh học, hoá học với những ý tưởng mới lạ, độc đáo.
Còn tại Trường THPT Ngô Quyền, các thầy, cô giáo Tổ bộ môn Vật lý- Tin học- Công nghệ đã tổ chức cho HS thực hiện các sản phẩm là những chiếc xích đu tự thiết kế, chế tạo.
Nhiều HS tỏ ra rất hứng thú với trải nghiệm khi được vận dụng những kiến thức đã học để cùng nhau tìm tòi, nghiên cứu, tự thiết kế và chế tạo ra những chiếc xích đu an toàn, rất đẹp mắt. Sản phẩm hoàn thành được bày trí ở sân trường để HS toàn trường cùng sử dụng, vui chơi.
Theo thầy giáo Phan Vũ Hào, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền: Nhà trường đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Sở GDĐT về một số nội dung thực hiện giáo dục Stem và tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục. Hoạt động dạy học Stem không chỉ đem lại cho học trò kiến thức, kỹ năng, khả năng giải quyết vấn đề thực tế, mà còn giúp các em được phát triển tư suy, sáng tạo. Việc học trò làm được xích đu là rất ý nghĩa và thiết thực, bởi các em được trải nghiệm thực hành, được sử dụng chính sản phẩm của mình ngay trong khuôn viên Nhà trường.
Để triển khai hiệu quả giáo dục Stem, Sở GDĐT đã tổ chức các lớp tập huấn hoạt động trải nghiệm, thực hành và giáo dục STEM trong trường trung học cho cán bộ quản lý, giáo viên các phòng GDĐT, các trường THPT. Đồng thời phối hợp cùng Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp tổ chức Hội thảo “Hệ thống quan điểm định hướng trong chuẩn bị bài giảng và tổ chức giảng dạy Stem”. Học viên được tham gia triển lãm Stem và thực hành về ứng dụng công nghệ in 3D trong xây dựng mô hình học tập, giảng dạy Stem.
PGS,TS. Vũ Ngọc Pi, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, thông tin: Năm 2021, Nhà trường đã khánh thành phòng Stem’s LAB dùng để hỗ trợ các trường THPT Thái Nguyên và các tỉnh lân cận nhằm đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu và sáng tạo của HS, sinh viên, giảng viên trẻ. Chúng tôi đã triển khai việc hỗ trợ các câu lạc bộ Stem trường THPT thiết kế và chế tạo các sản phẩm sáng tạo kỹ thuật thông qua việc cử cán bộ, giáo viên cùng hướng dẫn với giáo viên của trường THPT, hỗ trợ kinh phí để chế tạo.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham quan phòng STEM’s LAB của Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên. |
Bên cạnh đó, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp đã xây dựng chương trình dành cho HS các câu lạc bộ Stem của 35 trường THPT trong tỉnh. Chương trình này bao gồm hỗ trợ gói thiết bị (1 máy in 3D và 2 bộ robot Stem - trị giá 20 triệu đồng) và tập huấn cho giáo viên phụ trách câu lạc bộ, học và trải nghiệm cho HS.
Chương trình gồm 3 khóa học: “Thiết kế sản phẩm và công nghệ in 3D”; “Lập trình và chế tạo robot Stem”; “Em tập làm khoa học”. Sau khóa học, HS sẽ tiếp tục được học tập, thực hành và sinh hoạt tại câu lạc bộ STEM của các trường THPT, cũng như tại Stem’s Lab của Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp.
Với sự hỗ trợ đắc lực của Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có 226 trường triển khai thực hiện (35 trường THPT; 191 trường THCS). Số bài học Stem đã thực hiện là 1.509, đã tổ chức được 523 hoạt động trải nghiệm Stem.
Đặc biệt, 2 năm học vừa qua, số dự án khoa học kỹ thuật (KHKT) do HS thực hiện đã nâng lên 1.440 dự án, trong đó có 375 dự án dự thi cấp tỉnh. 31 trường THPT có máy in 3D (1 máy/trường), Robot STEM (2 robot/trường)…
Việc dạy học các môn học theo phương thức giáo dục Stem thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều trường đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng sắp xếp lại các tiết học thành một số bài học theo chủ đề liên môn để tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.
Qua đó tăng cường các hoạt động nhằm giúp HS vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống trong thực tiễn, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong HS.
Năm học 2021-2022, Sở GDĐT có 2 dự án tham gia Cuộc thi KHKT cấp quốc gia và cả 2 dự án đoạt giải Nhất. Trong đó, 1 dự án được tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc tế (ISEF 2022).
Đánh giá về giáo dục Stem, T.S Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GDĐT, khẳng định: Giáo dục STEM thực sự rất hiệu quả trong việc giáo dục toàn diện, giúp HS giải quyết các vấn đề thực tiễn. Các bài học và trải nghiệm HS sẽ tạo hứng thú trong việc học tập, bởi việc học không chỉ để biết mà còn để vận dụng. Đồng thời giúp hình thành và phát triển năng lực cho người học. Đưa Stem vào giáo dục phổ thông sẽ đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng HS. Các em sẽ nhận thức được năng lực sở trường và sự lựa chọn đúng đắn về ngành học, định hướng nghề nghiệp cho bản thân; tăng cường kết nối giữa các trường phổ thông với trường đại học, các trường nghề và trung tâm nghiên cứu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin