Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT), năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Thái Nguyên chủ động đổi mới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà. Đây là cơ sở để năm học mới toàn Ngành kiên trì mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học.
Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Mỏ Chè (TP. Sông Công) có 6 lớp 1, 210 học sinh. Trong ảnh: Nhà trường tổ chức cho học sinh khối 1 tựu trường. |
Năm học 2022-2023, chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai) tiếp tục được nâng cao. Trong số 311 học sinh (HS) có 107 em hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện (chiếm 34,4%).
Thầy giáo Vũ Kỳ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cúc Đường, cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn, Nhà trường luôn coi trọng việc xây dựng và bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên (GV) đúng chuyên môn, phù hợp với năng lực; luôn tạo điều kiện cho GV học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ cũng như khơi dậy lòng đam mê, nhiệt huyết trong mỗi cán bộ, GV.
Không riêng Trường Tiểu học Cúc Đường, ở tất cả các đơn vị giáo dục khác trong tỉnh, hoạt động dạy và học đang được triển khai theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện.
Theo cô giáo Bùi Thị Thanh Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TP.Thái Nguyên): Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, Nhà trường luôn khích lệ GV chủ động tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là việc chuyển đổi số dạy học. Lợi thế của Nhà trường là 100% GV đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhà trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chuyên đề trao đổi chuyên môn và phương pháp dạy học; tổ chức các lớp học nâng tầm, thay đổi nhận thức, phương pháp dạy học và quản lý HS trong trường học.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, đặc biệt là trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, Thái Nguyên duy trì và giữ vững kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn bị các điều kiện thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) đi học đạt 33,1%; Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi) đi học đạt 96,8%; Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học đạt 100%. Ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho 24.512 HS lớp 3, đạt tỷ lệ 100% và chương trình tiếng Anh 10 năm cho 52.473 HS lớp 4 và lớp 5, đạt tỷ lệ 99,9%.
Cùng với đó, mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất cũng được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Ngành Giáo dục đã phối hợp với các địa phương từng bước sắp xếp thu gọn điểm trường theo đúng lộ trình; tăng cường đầu tư xây dựng các trường THPT đáp ứng nhu cầu của người học.
Trong năm học, cơ quan có thẩm quyền đã cấp phép hoạt động giáo dục cho 3 trường THPT, trong đó có 2 trường công lập là trường THPT Đội Cấn, THPT Tức Tranh và 1 trường ngoài công lập là trường THPT Võ Nguyên Giáp.
Với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”; “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy giáo làm động lực”, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục đề ra mục tiêu: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GDĐT.
Về những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục thời gian tới, PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GDĐT, cho biết: Ngành sẽ tập trung thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDĐT. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn Ngành…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin