Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em Ngô Văn Phượng, học sinh Trường THPT Phú Bình, đạt 29/30 điểm, trở thành thủ khoa khối C của tỉnh và đứng thứ 26/100 thí sinh khối C có điểm cao nhất cả nước. Để có được kết quả này, bên cạnh sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, bản thân Phượng luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng.
Bên cạnh sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo ở trên lớp, em Ngô Văn Phượng luôn tự giác học tập ở nhà. |
Ngay sau khi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phượng nhanh chóng xin vào làm việc thời vụ cho một công ty ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình). Hôm gặp chúng tôi, em vừa đi làm ca đêm về. Tuy có phần mệt mỏi vì thức đêm, Phượng vẫn sẵn sàng đón tiếp chúng tôi.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT của Ngô Văn Phượng: Ngữ Văn 9 điểm; Lịch Sử, Địa lý và Giáo dục công dân 10 điểm; Toán 7,6 và Tiếng Anh 8,8 điểm. Tổng điểm là 55,4. |
Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Bảo Lý (Phú Bình), Phượng bày tỏ: Khi nhận được kết quả thi tốt nghiệp, em cũng không quá bất ngờ. Riêng đối với môn Văn, em nghĩ mình có thể “lấy” thêm được 0,25-0,5 điểm nữa, nhưng do phân bổ thời gian làm bài chưa hợp lý nên kết quả chưa được như mong đợi.
Nói về “kinh nghiệm” trong quá trình ôn thi, Phượng chia sẻ: Bên cạnh sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, những lúc ở nhà, em đều tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để học; tham khảo tài liệu từ các nguồn sách vở, internet… Ngoài ra, em cũng tham gia vào một số nhóm về học tập để biết thêm các dạng đề và thực hành làm đề. Với mỗi đề, em đều làm đi làm lại nhiều lần, tự ghi chú lại các câu trả lời sai để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Nhận xét về cậu học sinh của mình, cô giáo Hoàng Thị Phương Thùy, giáo viên chủ nhiệm của Phượng tự hào: Phượng là học sinh ngoan ngoãn, luôn tự giác và nỗ lực trong học tập. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng trong 3 năm học ở trường, em luôn là học sinh giỏi, đặc biệt với môn Văn, nhiều năm liền em đều đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Ngoài thời gian học, em Phượng còn phụ giúp bà ngoại nhiều việc trong nhà. |
Còn bà Nguyễn Thị Thái (85 tuổi), bà ngoại của Phượng, giãi bày: Mẹ của Phượng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chất độc da cam nên không được nhanh nhẹn như bao người khác. Chính vì thế, từ khi cháu còn nhỏ, tôi đã chăm lo cho cháu từ cái ăn, cái mặc đến giấc ngủ. Khi biết cháu đạt thành tích cao trong học tập, tôi mừng lắm, bởi nỗ lực của Phượng đã có kết quả xứng đáng.
Trong ngôi nhà nhỏ có 3 thành viên, cậu học trò 18 tuổi Ngô Văn Phượng giờ đây đã trở thành trụ cột của cả gia đình, là chỗ dựa tinh thần cho bà, cho mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em chưa bao giờ gục ngã. Với Phượng, chỉ có nỗ lực mới có thể giúp bà, giúp mẹ và chính bản thân em vượt qua số phận để chiến thắng "cái nghèo".
Trước đó, biết được hoàn cảnh của Phượng (gia đình thuộc diện hộ cận nghèo), trong 3 năm học THPT, Nhà trường đã miễn giảm cho em một số khoản đóng góp. Nhưng giờ đây, học phí và chi phí sinh hoạt trong những năm Đại học là một nỗi lo lớn đối với gia đình.
Chúng tôi được biết thêm, Phượng điền nguyện vọng lần lượt đăng ký vào các trường: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Em chia sẻ: Nếu đỗ vào một trong các trường đại học mơ ước, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng kỳ vọng, tin tưởng của thầy cô và gia đình. Hoàn cảnh càng khó khăn bao nhiêu thì em lại càng phải cố gắng và nỗ lực bấy nhiêu bởi với em, học là con đường để đi đến tương lai.
Em cũng lên kế hoạch: Em sẽ làm cho công ty đến khi nhập học. Số tiền kiếm được em sẽ để lại một phần cho bà để lo việc nhà, còn lại sẽ dành để đóng học phí và chi tiêu sinh hoạt khi nhập học. Sau khi khai giảng, em cũng sẽ tìm công việc làm thêm để kiếm tiền. Bên cạnh đó cũng phải nỗ lực học tập tốt để dành học bổng của trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin