Thành quả của ngành Giáo dục đóng góp vào thành tựu chung của đất nước

Thúy Hằng 18:33, 18/08/2023

Đó là một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều 18-8 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. 

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các địa phương, cơ sở giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên.

Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định, từng bước khẳng định vị thế giáo dục đại học của Việt Nam trên bản đồ giáo dục quốc tế.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục xác định chủ đề là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD&ĐT”.

Đối với tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt và vượt các mục tiêu đề ra trong năm học 2022-2023 và theo lộ trình, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn của đơn vị phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành GD&ĐT thời gian qua; đặc biệt là những ý kiến phát biểu trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu tại Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Thành quả của ngành Giáo dục đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục, đó là: Việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các điều kiện khác chưa đồng bộ; chậm ban hành sách giáo khoa tiếng dân tộc. Một số địa phương chưa thực hiện kịp thời việc ban hành tài liệu giáo dục địa phương. Quy hoạch mạng lưới trường lớp chưa phù hợp; còn tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ; các chế độ, chính sách đãi ngộ cho giáo viên còn thấp…

Về nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ thống nhất với các chỉ tiêu được ngành Giáo dục đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam hướng tới hội nhập toàn cầu trong tương lai, để người lao động Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu. Vì vậy phát triển GD&ĐT phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình đổi mới giáo dục cần kế thừa, phát huy các thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ, chế độ, chính sách đối với giáo viên…

Thủ tướng Chính phủ cho rằng nhiệm vụ “chấn hưng giáo dục”, thực hiện sự nghiệp “trồng người” rất vẻ vang nhưng cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ và sẽ luôn đồng hành để chỉ đạo giải quyết những khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục cũng như của hơn 1 triệu thầy, cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. 

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Giáo dục phải bám sát tư tưởng lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; vận hành hiệu quả mối quan hệ “Nhà trường - học sinh và giáo viên”; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh...