Xóa mù chữ (XMC) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực. Trong những năm qua, Thái Nguyên luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, XMC cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa. Những lớp học XMC đã giúp người dân được tiếp cận thông tin, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Huy động con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường đúng độ tuổi là giải pháp thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Trong ảnh: Giờ học của lớp 4A điểm trường Liên Phương, Trường Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ). |
Gieo con chữ, thắp niềm tin
Để tổ chức được các lớp học XMC tại các địa phương rất khó khăn. Song song với việc thực hiện điều tra phổ cập giáo dục, các trường học đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người mù chữ đến các lớp học. Việc đi học đối với người trẻ đã khó, với người đã sang tuổi lục tuần càng khó khăn hơn.
Trong 21 học viên tham gia 5 lớp XMC của huyện Đại Từ mở trung tuần tháng 9 vừa qua có 3 học viên ngoài 60 tuổi. Chị Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1966 ở xóm Bầu 1, xã Văn Yên, phấn khởi khi được tham gia học chữ. Mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng chị Sáu vẫn chưa thành thạo tiếng Việt.
Chị Sáu phấn chấn nói: Mặc dù tuổi này đi học cũng rất ngại nhưng tôi quyết tâm học để biết cái chữ cho đỡ khổ. Trước kia nhà có 7 anh em, nghèo không có tiền để đi học nên thiệt thòi lắm. Giờ đi học được cấp đầy đủ sổ, bút, không mất học phí thì cớ gì không học.
Kém chị Sáu 27 tuổi nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1993 ở xóm Thống Nhất 1, xã An Khánh, chỉ học hết cấp I rồi nghỉ học. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Dũng chia sẻ: Nếu biết đọc, biết viết, tôi sẽ tự tính toán, đọc tin tức cũng như có thể dạy con học, tự tin khi tham gia các hoạt động của xóm, xã. Nghĩ thế, khi các cô giáo đến nhà vận động, tôi quyết định đăng ký học lớp XMC…
Việc mở các lớp XMC, không riêng huyện Đại Từ mà các địa phương trong tỉnh cũng duy trì nhiều năm nay. Mở lớp học XMC cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS giúp bà con chưa được đi học hoặc chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập để biết đọc, viết và làm những phép tính căn bản nhất. Qua đó giúp họ thuận lợi hơn trong giao tiếp, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Kể lại khoảng thời gian học lớp XMC năm 2018, anh Ngô Văn Máy, dân tộc Mông ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), phấn khởi nói: Học được cái chữ tôi biết đọc, biết viết, tính toán và ký tên mình. Sau khi tham gia lớp XMC, tôi đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Là giáo viên tham gia dạy một số lớp XMC, cô giáo Lê Thị Hạnh, Trường Tiểu học Lâu Thượng, cho biết: Phần lớn học viên là người cao tuổi, ngày xưa chưa đi học, hoặc học chưa hết tiểu học thì nghỉ nên chúng tôi phải dạy từ ABC, ghép chữ. Chúng tôi cố gắng vận động, dạy chậm để họ tiếp thu được kiến thức. Sau khi hoàn thành chương trình XMC, các học viên biết đọc, viết, tính những phép cộng trừ, nhân, chia đơn giản.
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sảng Mộc (Võ Nhai) điều tra phổ cập, xóa mù chữ. |
Duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2
Theo kết quả điều tra năm 2022 về người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 trên địa bàn huyện Đại Từ, số người mù chữ mức độ 1 còn 6/126.600 người, chiếm 0,005%. Số người mù chữ mức độ 2 còn 21/126.600 người, chiếm 0,017%. Người mù chữ thuộc 5 xã An Khánh (4 người), Tân Linh (2 người), Văn Yên (7 người), Tiên Hội (4 người) và Phú Lạc (4 người).
Ngay sau Lễ khai giảng tập trung tại Phòng Giáo dục và Đào tạo, 5 xã có người mù chữ nêu trên sẽ tổ chức 5 lớp XMC tại các trung tâm học tập cộng đồng.
Để thực hiện tốt công tác XMC, theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ: Phòng đã phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách những người mù chữ, tuyên truyền tới từng gia đình để động viên học viên, tạo điều kiện tốt nhất để họ tham gia lớp học. Đây là giải pháp hiệu quả nhất để Đại Từ duy trì đạt chuẩn XMC mức độ 2.
Huyện Võ Nhai hiện còn 236 người mù chữ mức độ 1 (chưa hoàn thành lớp 3) và 896 người mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành lớp 5), chủ yếu trong độ tuổi từ 35-60 tuổi ở rải rác các xóm, bản vùng sâu, vùng DTTS.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tham mưu cho UBND huyện từ nay đến năm 2025 mở 13 lớp XMC, phấn đấu duy trì 100% đơn vị cấp xã và huyện đạt tiêu chuẩn XMC mức độ 2.
Theo thống kê năm 2022, toàn tỉnh có 5.028 người trong độ tuổi từ 15-60 mù chữ mức độ 1, 2, chiếm 0,44%; 178/178 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2.
Tỉnh đề ra mục tiêu duy trì 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện giữ vững tiêu chuẩn XMC mức độ 2. Các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có ít nhất 98% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.
Để duy trì được chỉ tiêu nêu trên, ngành Giáo dục và các địa phương đã tham mưu thực hiện tốt kế hoạch mở các lớp dạy XMC cho các đối tượng mù chữ trong độ tuổi XMC theo Nghị quyết số 27/2022/NĐ-HĐND ngày 18/12/2022 của HĐND tỉnh, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học XMC.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin