Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên:
Số hóa trong đánh giá "Công dân học tập"

NGUT Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh 09:59, 02/10/2023

Những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật phải kể đến là thực hiện mô hình "Công dân học tập", đánh giá công dân học tập theo Bộ tiêu chí…

Đồng chí Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh hướng dẫn Hội Khuyến học các huyện, thành phố về phần mềm số hóa về đánh giá công nhận Công dân học tập.
Đồng chí Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, hướng dẫn các hội khuyến học địa phương triển khai phần mềm số hóa về đánh giá công nhận "Công dân học tập".

Theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, mô hình "Công dân học tập" giai đoạn 2021-2030 được triển khai trong cả nước từ tháng 7/2022. Đây là một mô hình mới, với các tiêu chí cụ thể, thể hiện rõ phẩm chất và năng lực của công dân hiện đại.

Theo đó, ba năng lực cốt lõi của công dân học tập là: Năng lực tự học, tự đọc suốt đời; năng lực sử dụng các công nghệ và năng lực thiết lập, sử dụng các mối quan hệ xã hội. Các năng lực cốt lõi và phẩm chất kỹ năng được cụ thể bằng 10 chỉ số lượng hóa, với tổng số là 100 điểm. Các công dân (theo phân loại nhóm lao động) tự nguyện đăng ký phấn đấu, khi rèn luyện, phấn đấu có minh chứng đi kèm,  tự đánh giá cho điểm, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận. Các cấp có thẩm quyền đối chiếu, xác nhận cụ thể để quyết định công dân đó có đạt danh hiệu "Công dân học tập" hay không theo niên độ hàng năm.

Thực hiện đánh giá "Công dân học tập", Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Mở Hà Nội xây dựng phần mềm số hóa về đánh giá công nhận "Công dân học tập" tại trang http://congdanhoctap.vn và triển khai trên toàn quốc từ năm 2023, kết hợp với đánh giá theo phương pháp truyền thống.

Ngay đầu năm 2023, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với quản trị trang web http://congdanhoctap.vn để lập tài khoản tổ chức của Hội, gồm: 1 tài khoản  Hội Khuyến học tỉnh; 9 tài khoản Hội khuyến học huyện, thành; 178 tài khoản các Hội Khuyến học xã, phường để thực hiện công tác quản lý. Đồng thời, thành lập Tổ chuyên gia gồm 5 người, tích cực chuẩn bị tài liệu và nội dung tập huấn cho toàn bộ đối tượng là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội khuyến học các huyện, thành.

Các trường học tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Trong ảnh: Giờ học môn Lịch sử của thầy và trò lớp 7A, Trường THCS Hồng Tiến (TP. Phổ Yên).

Thông qua chương trình tập huấn giúp đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học nắm được cách sử dụng trang web, biết tạo tài khoản và hướng dẫn tạo tài khoản, sử dụng tài khoản để quản lý, kiểm tra. Đội ngũ này cũng chính là nòng cốt để hướng dẫn công dân biết đăng ký tài khoản cá nhân, đăng nhập, quản lý, đánh giá, cấp mã cho công dân...

Từ trung tuần tháng 4 đến hết tháng 5/2023, đồng loạt trên 9 huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến học các phường, xã, thị trấn; hướng dẫn triển khai tạo tài khoản, dùng tài khoản của tổ chức mình quản lý kiểm tra.

Tổ chuyên gia của Hội Khuyến học tỉnh đã tích cực hỗ trợ các hội địa phương theo dạng "cầm tay chỉ việc". Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương triển khai giúp đỡ công dân. Các huyện, thành phố đều lập nhóm hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số trong đánh giá "Công dân học tập".

Với cách làm cụ thể, sự vào cuộc của tất cả các tổ chức, hội viên, đặc biệt là các công dân tham gia bộ công cụ, những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu đã được tháo gỡ. Bản thân công dân sau khi tham gia triển khai nhận thấy sự tiện ích, nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong xây dựng xã hội học tập. 

Kết quả, tính từ khi triển khai trên hệ thống (ngày 15/4/2023) đến cuối tháng 9/2023, toàn tỉnh có 141.435 tài khoản công dân đăng ký trên hệ thống; 122.921 tài khoản công dân đã hoàn thành đánh giá trên hệ thống, trong đó đạt danh hiệu "Công dân học tập" là 99.824 người, đạt 81.2%. Với kết quả này, Thái Nguyên hiện đứng vị trí thứ 2 trên toàn quốc theo kết quả đánh giá của Hội Khuyến học Việt Nam.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Thái Nguyên có khoảng gần 1.000 tài khoản đăng ký mới trên hệ thống. Ngoài sự tiện lợi, nếu tính chi phí (chỉ tính của cá nhân công dân, chưa tính chi phí công, hồ sơ tài liệu) đã tiết kiệm được hơn 720 triệu đồng. 

Tiêu biểu trong công tác này phải kể đến Hội Khuyến học TP. Sông Công, TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình... Các cá nhân tiêu biểu, có cách triển khai sáng tạo như bà Lê Thị Lan, Chủ tịch Hội Khuyến học phường  Hoàng Văn Thụ và bà Nguyễn Hoàng Yến, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên); ông Bùi Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Quang (TP. Sông Công)...

Qua kết quả triển khai thực tế cho thấy việc thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số vào các lĩnh vực công tác, trong đó có ứng dụng trực tuyến đánh giá "Công dân học tập" đã giúp Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên trở thành điểm sáng trong công tác khuyến học, khuyến tài.