Trên địa bàn tỉnh hiện có 37 trường ngoài công lập, trong đó có 4 trường THPT, 1 trường phổ thông dân lập, 2 trường tiểu học, còn lại là các trường mầm non. Trong khi ngân sách đầu tư cho lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo vẫn còn hạn chế thì việc đầu tư phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của các trường ngoài công lập đã và đang góp phần giảm tải đối với các trường công lập.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Lương Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non BonBee (TP. Thái Nguyên) cho hay: Trường được thành lập đã 10 năm, ban đầu hoạt động theo mô hình nhóm trẻ. Đến năm 2018, trường đón 400 trẻ và bắt đầu hoạt động theo mô hình lớp học. Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay, trường đầu tư xây dựng cơ sở chính tại phường Tân Thịnh khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, sạch, đẹp. Ngoài ra, đơn vị đã thuê mặt bằng mở thêm 3 điểm trường tại các phường: Thịnh Đán, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng. Năm học 2023-2024, Nhà trường có quy mô gần 940 trẻ.
Trường Mầm non BonBee (TP. Thái Nguyên) tạo được tín khi đầu tư đồng bộ về cở sở vật chất, thiết bị phục vụ nhu cầu học tập. |
Trường Mầm non BonBee chỉ là một trong số nhiều trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh thành công nhờ có hướng đi đúng. Hiện nay, TP. Thái Nguyên là địa phương có số trường học ngoài công lập nhiều nhất tỉnh. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 24 trường ngoài công lập, trong đó có 21 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường phổ thông dân lập; với tổng số 234 nhóm/lớp, gần 4.000 học sinh. Ngoài ra, còn có 29 cơ sở giáo dục mầm non độc lập với 97 nhóm trẻ, với gần 1.200 trẻ... Các trường ngoài công lập, đặc biệt là đối với cấp học mầm non được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ và nhu cầu của khá đông phụ huynh trên địa bàn.
Thực tế, thời gian qua, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội góp phần phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là tạo điều kiện, khuyến khích thành lập được nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Đa đạng hóa loại hình giáo dục
Có thể thấy, hệ thống trường công lập trên địa bàn tỉnh phát triển đã làm đa dạng hóa loại hình giáo dục, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường. Thời gian gần đây, hệ thống trường ngoài công lập đã ngày càng khẳng định được chất lượng dạy và học. Chính bởi vậy, nhiều phụ huynh đã ưu tiên lựa chọn trường ngoài công lập để gửi gắm con em theo học.
Một trong những ngôi trường điển hình trong nâng cao chất lượng dạy học, đó là Trường THPT Đào Duy Từ, ở phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên). Trường đã thực sự khẳng định là cơ sở giáo dục đào tạo uy tín, với tỷ lệ học sinh giỏi hằng năm trên 45%; Trường đã có trên 30 học sinh đoạt Huy chương Vàng, Bạc và giải Đặc biệt tại các cuộc thi Sáng chế và phát minh tại các nước: Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Romania... Tại Thái Nguyên, Trường bắt đầu tuyển sinh từ năm 2007, với 2 lớp, gần 40 học sinh. Đến năm học này, quy mô đào tạo của Trường đã nâng lên 35 lớp với 1.200 học sinh.
Từ việc thu hút đầu tư giáo dục ngoài công lập bằng nguồn vốn xã hội hóa, Thái Nguyên đã có môi trường giáo dục đa dạng, đặc biệt có được ngôi trường có thể coi là hình mẫu trong phát triển giáo dục trên địa bàn. Đó là Trường liên cấp Iris (đào tạo từ cấp học Mầm non đến THPT). Đây là ngôi trường khang trang, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, theo tiêu chuẩn quốc tế. Chương trình đào tạo của Trường đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa của thế giới. Định hướng giáo dục toàn diện đã mang lại sự thành công bước đầu khi Trường liên tục có học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi Quốc tế, với các bộ môn Toán, tiếng Anh, khoa học và thi Hùng biện, Nghệ thuật, Robotics.
Hoạt động trải nghiệm giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn. |
Trong những năm qua, tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, số trường công lập còn ít và tỷ lệ học sinh theo học tại các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh còn hạn chế (chỉ chiếm khoảng 2% tổng số học sinh toàn tỉnh). Bởi vậy, thời gian tới, Thái Nguyên vẫn tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục - đào tạo; có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin