Trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 17.360 học sinh lớp 9 của 192 trường dự thi, với 3 môn: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh. Đây là Kỳ thi quan trọng, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, lấy kết quả đầu vào cho các trường THPT trên địa bàn. Trong nhiều năm học qua, Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc và khách quan, kết quả phản ánh rõ chất lượng dạy và học ở các trường.
Học sinh lớp 9, Trường THCS Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), trong giờ ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024-2025. |
Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Từ cuối năm 2021, Sở đã ban hành cấu trúc đề thi vào lớp 10, là căn cứ để xây dựng và biên soạn đề thi tuyển sinh. Việc ban hành cấu trúc đề thi phù hợp lộ trình đổi mới với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đảm bảo cho các thí sinh làm bài đủ, đạt ở mức độ trung bình trở lên. Cấu trúc đề thi đảm bảo các tiêu chí, mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng kiến thức (cấp độ thấp) và vận dụng kiến thức (cấp độ cao) phù hợp với từng môn học...
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 có đến 60% kiến thức ở mức độ nhận biết và thông hiểu, đảm bảo mức độ từ dễ đến khó, để hướng cho các em đạt ngưỡng điểm trung bình trở lên. Phần kiến thức vận dụng và vận dung cao, mức khó phù hợp và để phân hóa đối với các học sinh khá, giỏi.
Tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, tổng số điểm trung bình của các thí sinh trong toàn tỉnh đạt 17,45 điểm, trong đó, điểm trung bình môn Toán: 5,62 điểm, môn Ngữ Văn: 6,94 điểm và môn Tiếng Anh: 4,88 điểm.
Cô giáo Nguyễn Thị Hường, Trường THCS Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), cho rằng: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tất cả các khâu, từ ra đề, coi thi, chấm thi... Đây là Kỳ thi nghiêm túc, không có tiêu cực, đồng thời đảm bảo được các tiêu chí, mục tiêu đề ra, tạo được niềm tin đối với phụ huynh học sinh và các giáo viên.
Tuy nhiên, trên thực tế thực tế, vẫn còn có nhiều điểm thấp, kém trong Kỳ thi vừa qua, đặc biệt là đối với môn Toán và Tiếng Anh. Kết quả Kỳ thi có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường THCS ở trung tâm thành phố với các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Cụ thể: 17/192 trường THCS có tổng điểm trung bình 3 môn thi từ 20 trở lên, trong đó có đến 15 trường ở TP. Thái Nguyên; 3 trường có điểm cao nhất là: THCS Chu Văn An (25,44 điểm), THCS Chùa Hang 2 (23,62 điểm), Trường TH, THCS và THPT IRIS (23,59); Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Đại Từ) có tổng điểm trung bình các môn cao thứ 4 toàn tỉnh (với 22,33 điểm); Trường THCS Nguyễn Du (TP. Sông Công) có tổng điểm trung bình các môn cao thứ 16 toàn tỉnh (với 20,67 điểm).
Thí sinh tham dự Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024-2025 tại điểm thi Trường THPT Dương Tự Minh (TP. Thái Nguyên). |
Có 147 trường THCS tổng điểm trung bình các môn đạt từ 15 điểm trở lên. Ngoài ra, trong số 45 trường có tổng điểm trung bình 3 môn thi dưới 15 điểm, có đến 21 trường điểm trung bình môn Toán chỉ đạt dưới 4 điểm, thậm chí có trường điểm trung bình môn Toán chỉ đạt 1,5 điểm (ở các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Võ Nhai), như: Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nghinh Tường có điểm trung bình môn Toán: 1,54 điểm, điểm trung bình 3 môn: 8,87 điểm. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thượng Nung có điểm trung bình môn Toán: 2,25 điểm, điểm trung bình 3 môn: 8,79 điểm. Trường THCS Phương Giao có điểm trung bình môn Toán: 1,875 điểm, điểm trung bình 3 môn: 10,35 điểm. Trường THCS Cúc Đường có điểm trung bình môn Toán: 2,02 điểm, điểm trung bình 3 môn: 10,75 điểm...
Về điểm trúng tuyển của các trường THPT công lập đại trà trên địa bàn, có 5 trường THPT trên địa bàn TP. Thái Nguyên có số điểm trúng tuyển cao nhất là THPT Chu Văn An, THPT Lương Ngọc Quyến, THPT Thái Nguyên, THPT Gang Thép và THPT Ngô Quyền. Các trường có số điểm trúng tuyển thấp nhất là THPT Võ Nhai và THPT Trần Phú (Võ Nhai)...
Kết quả trên cho thấy, điểm tuyển sinh lớp 10 đã phản ánh khá đúng chất lượng giảng dạy và học tập tại các trường THCS trên địa bàn. Và một thực tế đang đặt ra đó là kết quả thi vào lớp 10 tại các trường THPT trên địa bàn TP. Thái Nguyên, ở khu vực trung tâm có sự chênh lệch khá lớn so với các trường ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù các trường THCS đã có kế hoạch ôn tập kiến thức đối với học sinh lớp 9; đồng thời, bố trí giáo viên có kinh nghiệm, vững kiến thức, tâm huyết với nghề, dành thời gian tập trung ôn luyện kiến thức cho học sinh.
Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng học sinh ở các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện học tập, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên điểm thi đạt thấp. Ngược lại, học sinh ở thành phố có điều kiện học tập, ôn luyện và ý thức học tập cao hơn thì kết quả đạt được khá hơn hẳn, thậm chí là vượt trội.
Kết quả trên đòi hỏi ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở cấp THCS, đặc biệt là tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyển, triển khai các giải pháp nhằm định hướng, phân luồng giáo dục để học sinh có điều kiện học nghề, phù hợp với năng lực, sở trường...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin