Cùng với cả nước, trên 353 nghìn học sinh Thái Nguyên đang chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025. Năm học này, toàn tỉnh có 686 cơ sở giáo dục, gồm 245 trường mầm non, 203 trường tiểu học, 191 trường THCS, 36 trường THPT và các trung tâm. Ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón năm học mới.
Học sinh Trường THPT Định Hóa háo hức đón chào năm học mới 2024-2025. Ảnh: Trần Nguyên |
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong năm học 2024-2025, ngành Giáo dục Thái Nguyên tập trung triển khai Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”. Đồng thời đề xuất và triển khai thực hiện các đề án, chương trình đầu tư bảo đảm nguồn lực thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” của ngành Giáo dục giai đoạn 2020-2025...
Chào đón năm học mới, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường học tiến hành tổng vệ sinh môi trường, dọn dẹp, trang hoàng trường lớp; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... để đón học sinh tựu trường. Lễ khai giảng năm nay, các trường đồng loạt tổ chức vào sáng 5-9, với yêu cầu bảo đảm trang trọng, ngắn gọn, đặc biệt quan tâm đến học sinh đầu cấp học.
Giờ học tại Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TP. Thái Nguyên). |
Các địa phương đã gấp rút hoàn thành các công trình để sớm bàn giao đưa vào sử dụng trong năm học mới. Phương châm thực hiện là ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thu hẹp dần khoảng cách giữa các trường học ở trung tâm với các trường ở vùng sâu, xa; tặng sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các em được đến trường.
Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, Võ Nhai đã dành kinh phí 25,8 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học. Trong đó xây mới 22 phòng học tại 3 trường tiểu học: Phương Giao, Phú Thượng, Thần Sa, với tổng kinh phí 16 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa một số phòng học với kinh phí 7 tỷ đồng; mua sắm thiết bị dạy học với kinh phí 2,8 tỷ đồng.
Cô giáo Triệu Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Giao, phấn khởi cho biết: Từ tháng 6-2024, Nhà trường được đầu tư xây dựng 2 công trình nhà 3 tầng (gồm nhà lớp học với 6 phòng và nhà hiệu bộ), tổng mức đầu tư khoảng 7,7 tỷ đồng. Hiện nay, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành công trình theo đúng tiến độ đề ra, đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy, trò Nhà trường.
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành Giáo dục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn Ngành là gần 26 nghìn người; tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn trở lên là 89.47% (trong đó đạt trên chuẩn là 31,28%).
Ngành đã tham mưu tuyển dụng giáo viên vào biên chế đáp ứng yêu cầu dạy và học; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí khoảng 338 tỷ đồng để hợp đồng khoảng 3.710 giáo viên nhằm đáp ứng đủ giáo viên cho dạy và học, bảo đảm cho cấp tiểu học học 2 buổi/ 1 ngày.
Bên cạnh đó, Ngành đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho 100% cán bộ quản lý, tổ trưởng/nhóm trưởng chuyên môn và giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 5, lớp 9, lớp 12 trong năm học 2024-2025; tập huấn năng lực tiếng Anh theo Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, với gần 300 cán bộ, giáo viên tham dự; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, với gần 2.800 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Giáo viên Trường Tiểu học Tiên Phong (TP. Phổ Yên) đón học sinh vào lớp 1, năm học 2024-2025. |
Một tin vui trong năm học 2024-2025 là HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí và chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thuộc tỉnh quản lý. Theo đó, tỉnh hỗ trợ học phí 100% từ ngân sách nhà nước đối với học sinh mầm non đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh quản lý, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh và học sinh cấp THCS, cấp THPT đang học tại các cơ sở giáo dục công lập, có hộ khẩu thường trú tại các xã Nghinh Tường, Sảng Mộc, Vũ Chấn, Thần Sa, Thượng Nung, Cúc Đường (Võ Nhai). Mức thu học phí đối với cấp tiểu học và THCS là 20, 30, 60 nghìn đồng/tháng, đối với cấp THPT là 25, 45, 70 nghìn đồng/tháng (tùy từng vùng)...
Ngoài ra, ngành Giáo dục hết sức quan tâm tới bảo đảm an toàn cho học sinh. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục quan tâm vấn đề an ninh trật tự, an toàn trường học, môi trường xanh - sạch - đẹp; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy; đặc biệt chỉ đạo thực hiện các khoản thu theo quy định, tránh lạm thu đầu năm học. Đồng thời tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường...
Năm học 2024-2025 có chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”. Ngành Giáo dục Thái Nguyên cùng cả nước quyết tâm thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với tất cả các khối lớp, đặc biệt là lớp 5, lớp 9 và lớp 12; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin