Ngày 23-8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thái Nguyên tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ đối với cấp học mầm non.
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Năm học 2023-2024, tỉnh Thái Nguyên có 245 trường mầm non, trong đó có 216 trường mầm non công lập, 29 trường ngoài công lập; với tổng số 84,2 nghìn trẻ (nhà trẻ: trên 17,6 nghìn trẻ, mẫu giáo: trên 66,6 nghìn trẻ). Số đang học tại mầm non ngoài công lập: 7.711 trẻ (bằng 9,2%), tăng 0,3% so với năm học trước. Tổng số cán bộ, giáo viên cấp học mầm non là 10.272 người.
Trong năm học qua, các huyện, thành phố đã tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non, tiếp tục quan tâm đầu tư và bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non; đồng thời lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”.
Toàn tỉnh có 208/245 trường mầm non đạt chuẩn (bằng 84,8%); hiện có 3.322 phòng học, đạt tỷ lệ 1 phòng/nhóm, lớp. Số phòng học kiên cố đạt 95,7% (tăng 8% so với năm học trước)...
100% trường mầm non đã thực hiện quản lý trực tuyến về nuôi dưỡng, sức khỏe học sinh và công khai tài chính trên website. 100% trường đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, đảm bảo phục vụ cho hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ.
Trong năm học, Sở GD&ĐT đã cấp phát thiết bị cho 4 trường mầm non với kinh phí 97,6 triệu đồng. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 84,8% (cao hơn 10,6% so với tỷ lệ chung toàn quốc).
Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tiếp tục được duy trì. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 97,6%, tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 36,2%; trẻ 5 tuổi ra lớp 22.422/22.422 trẻ (đạt tỷ lệ 100%). 100% trẻ được theo dõi và chăm sóc sức khỏe định kỳ. 96,3% trẻ có chiều cao, cân nặng phát triển bình thường. Số trẻ dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt là 8.113 trẻ. 85,3% số trường mầm non thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh...
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non và các hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục mầm non; đẩy mạnh công tác rà soát, sắp xếp, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non gắn với kế hoạch phát triển của địa phương; tăng cường các giải pháp huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường, lớp mầm non hướng đến thực hiện phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, chuẩn bị cho phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi.
Tăng cường đầu tư và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục mầm non để phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Đặc biệt là tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh mầm non; quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và trẻ em mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin