Những năm trở lại đây, các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn trong tình trạng quá tải. Điều này khiến việc tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều áp lực, nhất là “cuộc đua” của học sinh vào các trường THPT công lập ngày càng khó khăn, căng thẳng. Trước thực tế này, các cơ sở giáo dục tư thục, dân lập được xây dựng và đi vào hoạt động không chỉ góp phần giảm tải cho trường công lập, mà còn tạo “lối đi riêng” giúp cho ước mơ của hàng nghìn học sinh được “chắp cánh” vươn xa.
Giờ học của cô và trò lớp tiếng Anh IELTS Trường THPT Võ Nguyên Giáp. |
Vào 10 - cuộc đua căng thẳng
Chắc hẳn các bậc phụ huynh và học sinh tốt nghiệp THCS vẫn chưa thể quên cảm giác lo lắng, căng thẳng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra cách đây không lâu. Trong “cuộc đua” này, chỉ có số ít thí sinh có nền tảng kiến thức vững vàng, tự tin dự thi mới gần như chắc suất vào trường công lập, thậm chí là được chọn trường theo mong muốn. Số đông còn lại không tránh khỏi áp lực, căng thẳng bởi sự cạnh tranh khá quyết liệt. Không ít bậc phụ huynh bắt con em mình phải tập trung cao độ cho việc ôn luyện dưới mọi hình thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Điều này càng thấy rõ hơn đối với các em học sinh ở khu vực thành phố.
Theo thống kê, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có gần 21 nghìn học sinh lớp 9 (tăng gần 2.000 em so với năm học trước). Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 các trường công lập là trên 13.600, tương đương khoảng 65% nhu cầu của học sinh trên địa bàn tỉnh. Như vậy, sẽ có trên 7.300 học sinh tốt nghiệp bậc THCS phải theo học tại các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề…
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh. |
Trong 9 huyện, thành phố thì áp lực đối với thí sinh thi vào trường công lập trên địa bàn TP. Thái Nguyên là lớn nhất. Cụ thể, địa phương có trên 5.500 học sinh lớp 9 nhưng chỉ tiêu được giao tại các trường THPT công lập trên địa bàn chỉ 3.270 em. Do đó, toàn thành phố sẽ có tới trên 2.000 học sinh không thể theo học bậc THPT tại các trường công lập sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay.
Những số liệu trên cho thấy, công tác tuyển sinh, giáo dục đào tạo tại các trường dân lập góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hàng trăm học sinh, phụ huynh trên địa bàn tỉnh khi chỉ tiêu của trường công lập đã không còn.
Giảm áp lực quá tải trường công
Tuy là cơ sở tư thục, mới thành lập và tuyển sinh lớp 10 khóa đầu tiền từ năm học 2023-2024 nhưng công tác dạy - học của thầy và trò Trường THPT Võ Nguyên Giáp (tại phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên) đã nhanh chóng đi vào nền nếp và đạt những kết quả tích cực. Cô Trịnh Thị Út, Hiệu trưởng Nhà trường, thông tin: Năm học 2023-2024, Nhà trường tuyển sinh được 134 học sinh vào lớp 10 từ 3 thành phố: Phổ Yên, Sông Công và Thái Nguyên. Năm học 2024-2025 này là năm thứ hai chúng tôi tuyển sinh lớp 10 với trên 300 học sinh, được chia thành 7 lớp học. Như vậy, tới nay Nhà trường có tổng cộng 450 học sinh theo học ở hai khối 10 và 11, được chia thành 13 lớp học.
Còn tại Trường THPT Đào Duy Từ (phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) gần 20 năm qua, mỗi năm Nhà trường tuyển sinh từ 9-10 lớp 10. Nghĩa là cơ sở đào tạo dân lập này đã phần nào đáp ứng nhu cầu học THPT chính quy cho khoảng 300 học sinh mỗi năm khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường công lập đã được “lấp đầy”. Tương tự, Trường THPT Lương Thế Vinh (phường Cải Đan, TP. Sông Công), có khuôn viên rộng trên 10.000m², với đầy đủ phòng học, phòng chức năng với hệ thống ánh sáng, quạt, điều hòa… cũng đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của hàng trăm học sinh mỗi năm.
Cô Lại Thị Thu Thảo, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cho hay: Năm học 2024-2025, Nhà trường có 103 học sinh lớp 10 (tổng số học sinh của Trường là 324 em). Mặc dù nhu cầu đăng ký của học sinh trong tỉnh tăng cao nhưng Nhà trường lại tuyển số lượng đầu vào thấp hơn so với mọi năm. Lý do là cuối năm nay, Nhà trường dành quỹ đất để đầu tư xây dựng thêm 1 nhà 2 tầng với 10 phòng học. Khi công trình hoàn thành, chúng tôi không chỉ đảm bảo cơ sở vật chất dạy - học tốt hơn mà còn có thể đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của học sinh những năm học tiếp theo.
Nét riêng nổi bật của trường dân lập
Khi nhắc đến trường dân lập, không ít người vẫn có quan điểm và nhận định phiến diện, thậm chí có cái nhìn thiếu thiện cảm. Đó là công tác tuyển sinh khó khăn do phải “xét vớt” những học sinh không đủ điểm vào trường công lập; băn khoăn về học phí cũng như chất lượng đào tạo, giáo viên, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, nếu tìm hiểu và nhìn nhận một cách khách quan thì các trường THPT dân lập trên địa bàn đã và đang tạo được những nét riêng, nổi bật trong công tác giáo dục, đào tạo. Thậm chí, những điều mà các cơ sở giáo dục này làm được đã khiến trường công lập khác phải “ngước nhìn”.
Thực tế tại Trường THPT Võ Nguyên Giáp, chúng tôi càng cảm nhận rõ điều này. Ngay từ năm đầu tiên thành lập và đi vào hoạt động, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, chú trọng dạy học tích hợp và phân hóa. Bên cạnh các lớp “phổ thông”, Nhà trường có 3 lớp “chuyên” ngoại ngữ, gồm 2 lớp tiếng Anh IELTS và 1 lớp tiếng Trung Quốc. Trong đó, học sinh THPT lớp tiếng Trung Quốc được học song ngữ (cả tiếng Anh theo chương trình THPT). Và thật ngạc nhiên, khi dù mới bước vào năm học 2024-2025, học sinh lớp 10 (tiếng Trung Quốc) của trường mới nhập học được vài tuần nhưng đã có thể giao tiếp và hát được những bài hát tiếng Trung Quốc rất tự tin. Học sinh các lớp tiếng Anh IELTS lại càng có sự thể hiện tốt hơn.
Không những vậy, Nhà trường có chính sách ưu đãi - học bổng rất cao (tiền mặt và một chuyến du lịch nước ngoài) cho học sinh có điểm đầu vào cao, học sinh giỏi hoặc đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên. Đồng thời, chú trọng công tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế và hỗ trợ các em xin được các suất học bổng nước ngoài. Kết thúc năm học 2023-2024, Nhà trường có 114 em đạt kết quả học tập mức khá, giỏi (có 50 em đạt mức giỏi, trong đó 10 học sinh xuất sắc). Có nhiều em đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh…
Học sinh Trường THPT Đào Duy Từ luyện tập văn nghệ. |
Còn tại Trường THPT Đào Duy Từ, công tác đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh; đào tạo theo mũi nhọn, hướng đến từng học sinh theo năng lực, thế mạnh như về ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học kỹ thuật… Với những học sinh này, Nhà trường luôn ưu tiên đào tạo để tham dự các cuộc thi trong nước, quốc tế và hằng năm đều có học sinh đạt giải cao. Từ đó, các em có thể giành được những suất học bổng ở nước ngoài hoặc được tuyển thẳng vào các trường đại học danh tiếng trong nước. Đối những học sinh khác, Nhà trường tập trung giáo dục, đào tạo theo hệ phổ thông đảm bảo nắm vững kiến thức và tốt nghiệp THPT. Minh chứng là hơn 10 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của Trường đều đạt 100%.
Có thể khẳng định, với thế mạnh của mình, các cơ sở giáo dục dân lập không chỉ giúp giảm tải cho các trường công lập, mà còn góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy - học, khẳng định thương hiệu, vị thế trong bức tranh giáo dục tỉnh nhà. Nhiều phụ huynh và học sinh đã lựa chọn trường dân lập để theo học nhằm phát huy khả năng với định hướng rõ ràng thay vì phải vào trường công lập theo quan niệm cũ.
Trung bình mỗi năm, các trường THPT dân lập trên địa bàn tỉnh giải quyết nhu cầu học cho 700-800 học sinh lớp 10. Điều này không chỉ góp phần giảm tải cho các trường công lập mà môi trường đào tạo “đặc biệt” của các trường còn giúp chắp cánh ước mơ bay cao, vươn xa trong hành trình chinh phục tri thức. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin