Thái Nguyên cho học sinh nghỉ học ngày 7-9 để phòng, chống bão Yagi

Thảo Nguyên 17:07, 06/09/2024

Ngày 6-9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Thái Nguyên ban hành Công văn số 2150/SGDĐT-TC-HC đề nghị trưởng phòng GDĐT các huyện, thành chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý; hiệu trưởng trường THPT; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở; giám đốc trung tâm GDNN- GDTX các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3, cho học sinh nghỉ học ngày thứ Bảy (7-9); không tổ chức các hoạt động vào ngày 7 và 8-9.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên).
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên).

Trước đó, ngày 4-9, Sở GDĐT đã ban hành Công văn số 2133/SGDĐT-KHTC về việc triển khai ứng phó với cơn bão số 3 nhằm đề phòng thiệt hại và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trường học trong mùa mưa bão. Theo đó, Sở GDĐT đề nghị các đơn vị, cơ sở giáo dục thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp về phòng, chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tuyên truyền, cảnh báo nhanh, kịp thời những thông tin về hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét, mưa to, lũ, sạt lở đất…; nhắc nhở, cảnh báo học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên về biện pháp ứng phó, phòng tránh đối với các nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão và tai nạn do điện giật, sấm sét, dông, lốc, đổ gãy cây xanh, cột điện, kè chắn, tường bao, tốc mái…

Các trường tiếp tục kiểm tra, rà soát và thực hiện việc chặt, cắt, tỉa đối những cây nặng tán, khô cành, có nguy cơ bật gốc, gãy, đổ trong khuôn viên, đường nội bộ và xung quanh trường; thường xuyên kiểm tra các khu vực dễ sạt lở, đổ, sập, có nguy cơ gây mất an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của nhà trường như phòng học, phòng làm việc, sân chơi, bãi tập, hồ bơi, tường bao, rào chắn, bờ kè, hệ thống điện… để có biện pháp khắc phục (hoặc kiến nghị cấp trên xử lý).

Tổ chức vệ sinh, khơi thông rãnh thoát nước, xử lý hệ thống thoát nước mái tại đơn vị. Thực hiện kiểm tra, di dời các loại máy móc, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi,… vào những nơi đảm bảo an toàn; kiểm tra và bảo quản tốt thư viện, thiết bị, phòng máy, hồ sơ, sổ sách…  Đồng thời, các cơ sở giáo dục tổ chức ứng trực 24/24, giữ liên hệ thường xuyên với cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó và báo cáo cơ quan chức năng trong trường hợp có sự cố xảy ra...