Xác định ứng dụng công nghệ vào giảng dạy là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai đã khắc phục khó khăn, tăng cường đầu tư trang thiết bị, góp phần triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Việc kết hợp giữa viết bảng và trình chiếu trên tivi của thầy giáo Lê Văn Sử, Trường THCS Lâu Thượng giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn. |
Trường Tiểu học Tràng Xá hiện có 22 lớp với 428 học sinh, 41 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong 2 năm học 2022-2023, 2023-2024, từ nguồn tiết kiệm chi, Nhà trường đã đầu tư mua 5 chiếc tivi để phục cho việc giảng dạy. Hiện nay, Nhà trường có 8 chiếc tivi, 2 máy chiếu tại điểm trường chính và 2 máy chiếu tại 2 điểm trường lẻ. Ngoài ra, 100% thầy cô giáo trong trường cũng tự trang bị máy tính cá nhân để phục vụ tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Cô giáo Dương Thu Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng Xá cho biết: Thiết bị dạy học là một trong những phương tiện quan trọng giúp đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên hiện nay, Nhà trường mới chỉ có 5/22 lớp có tivi, chính vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực và tiết kiệm chi của Nhà trường để phấn đấu đến hết năm học 2024-2025, 100% số lớp có tivi, đặc biệt là ở 2 điểm trường lẻ với 12 lớp.
Còn tại Trường THCS Lâu Thượng, trong những năm vừa qua, Nhà trường đã huy động nguồn xã hội hóa để đầu tư các trang thiết bị như tivi, máy chiếu phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Thầy giáo Lâm Xuân Thịnh, Hiệu trưởng Nhà trường, chia sẻ: Năm học 2023-2024, chúng tôi có 9 lớp với 8 phòng học. Năm học 2024-2025, tăng thêm 1 lớp 6 với 9 phòng học, tổng số học sinh là 411 em. Hiện Nhà trường có 10 máy tính để bàn và 8/9 lớp được trang bị tivi, riêng còn 1 mới mở chưa được trang bị tivi. Trong năm học này, nhà trường sẽ huy động nguồn xã hội hóa từ sự đóng góp của phụ huynh học sinh để lắp đặt.
Các thiết bị dạy học đã góp phần hỗ trợ việc cho giảng dạy của giáo viên và tạo sự hấp dẫn, hứng thú học đối với học sinh. Thầy giáo Lê Văn Sử, giáo viên bộ môn Toán Trường THCS Lâu Thượng, cho hay: Đặc trưng của toán học là có tính trừu tượng và logic cao. Vì vậy, với sự trợ giúp của các thiết bị dạy học và phần mềm dạy học đã góp phần giúp học sinh tiếp cận bài giảng với những hình ảnh trực quan, minh họa các chuyển động hình học, phát huy tính sáng tạo của học sinh.
Trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 20 trường mầm non, 19 trường tiểu học và 21 trường THCS, tổng số 715 lớp với trên 16.500 học sinh. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành giáo dục và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, đến nay các trường trên địa bàn huyện đã cơ bản được đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy. Nhờ đó, giáo viên khai thác hiệu quả tài liệu phục vụ việc dạy học có sử dụng thiết bị hỗ trợ; các bài giảng có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo, tạo sự hấp dẫn đối với học sinh. Giáo viên có điều kiện khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học. Qua đó, góp phần triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Bà Phan Thị Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai, chia sẻ: Mặc dù các trường học trên địa bàn đã được đầu tư các trang thiết bị như tivi, máy chiếu, bảng kéo… phục vụ cho quá trình giảng dạy nhưng số lượng trang thiết bị ở nhiều trường còn hạn chế, đáp ứng chưa đến 50%; một số điểm trường gần như chưa được trang bị tivi. Cùng với đó, trang thiết bị dạy học ở một số trường được đầu tư trước đây đã cũ, quá thời gian sử dụng cho nên chưa đáp ứng tốt cho việc dạy và học theo phương pháp đổi mới hiện nay. Thời gian tới, chúng tôi sẽ bố trí nguồn kinh phí cũng như đẩy mạnh kêu gọi nguồn lực xã hội hóa từ để tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin