Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng Al trong giảng dạy và nghiên cứu

Thảo Nguyên 15:00, 29/11/2024

Nhằm tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới, ứng dụng AI trong giảng dạy và nghiên cứu giữa các nhà khoa học, giảng viên trên toàn quốc, ngày 29-11, tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) diễn ra Hội thảo “Ứng dụng AI trong nghiên cứu và giảng dạy Vật lý”. Tham dự có hơn 200 đại biểu, nhà khoa học, giảng viên đến từ 44 trường đại học, học viện trong cả nước cùng đông đảo sinh viên.

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo “Ứng dụng AI trong nghiên cứu và giảng dạy Vật lý”.
Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo “Ứng dụng AI trong nghiên cứu và giảng dạy Vật lý”.

Hội thảo “Ứng dụng AI trong nghiên cứu và giảng dạy Vật lý” là một trong những hoạt động chính của “Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc lần thứ XXVI - năm 2024” diễn ra từ ngày 28-11 đến 1-12, tại Trường Đại học Khoa học, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, khẳng định: Sự kết hợp giữa Trí tuệ nhân tạo (Al) và Vật lý có thể tạo ra những bước tiến vượt bậc trong nghiên cứu khoa học.

Trong tương lai, Al sẽ tiếp tục giúp tối ưu hóa các quy trình khoa học. Vật lý sẽ đóng vai trò làm nền tảng để phát triển những ứng dụng AI thông minh. Do đó, việc tích hợp AI vào giảng dạy Vật lý là cần thiết để tạo ra một thế hệ nhà khoa học liên ngành, sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh nội dung về ứng dụng AI trong nghiên cứu và giảng dạy Vật lý như: Nguyên lý cơ bản của AI và Machine Learning; các ứng dụng AI tiêu biểu trong Vật lý; ứng dụng AI trong mô phỏng các hệ thống phức tạp, phân tích dữ liệu thực nghiệm; tự động hóa các phép tính toán lý thuyết và thực nghiệm trong Vật lý; sử dụng Al để thiết kế bài giảng trực quan, hấp dẫn; phát triển các công cụ học tập cá nhân hóa dựa trên AI; tích hợp AI trong việc đánh giá và hỗ trợ sinh viên; những ứng dụng thành công của AI trong nghiên cứu và giảng dạy Vật lý tại Việt Nam và quốc tế; thách thức và cơ hội khi triển khai AI vào giảng dạy tại các trường đại học; đề xuất sáng kiến hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa các trường đại học, viện nghiên cứu; giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực ngành Vật lý cho các Trường THPT ở các tỉnh hiện nay…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại “Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc lần thứ XXVI - năm 2024”, tổ chức tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại “Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc lần thứ XXVI - năm 2024”, tổ chức tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).

Hội thảo góp phần khẳng định AI không chỉ giúp phân tích dữ liệu, tối ưu hóa mô phỏng, cải thiện tốc độ nghiên cứu mà còn thay đổi quy trình nghiên cứu, giúp phát hiện các hiện tượng Vật lý mới theo một cách tiệm cận chưa từng có. AI sẽ đem lại giá trị lớn cho Vật lý trong việc thiết kế vật liệu mới. AI và vật lý lượng tử phối hợp để tăng cường khả năng xử lý các bài toán phức tạp mà các hệ thống cổ điển không giải quyết được.

Vật lý cũng đóng góp vào sự phát triển của AI thông qua Memristor, tạo ra các mạng neuron nhân tạo phần cứng, giúp AI trở nên hiệu quả và gần gũi hơn với não bộ con người. Việc tích hợp AI vào giảng dạy vật lý là cần thiết để tạo ra một thế hệ nhà khoa học liên ngành, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của tương lai.

Hội thảo là cơ sở quan trọng để các trường đại học, học viện trong cả nước đẩy mạnh phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, đặc biệt là việc triển khai ứng dụng AI vào các cấp học.



Gói cước 4G Viettel tại vietteldata.vn