Đổi mới dạy học môn Ngoại ngữ cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025

Theo Báo tin tức 14:41, 27/11/2024

2024 – 2025 là năm học đầu tiên toàn ngành giáo dục tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. 

Các trường tại Nghệ An chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với điều kiện từng trường, nhóm học sinh, trình độ học sinh. Ảnh tư liệu: Bích Huệ/TTXVN

Theo đó, ngoài 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn, học sinh phải thi 2 môn (thay vì 4 môn như trước đây) và Tiếng Anh từ môn bắt buộc đã trở thành môn tự chọn. Trước thực tế trên, tại nhiều trường học ở Nghệ An đã có sự thay đổi trong dạy và học môn Ngoại ngữ.

Giảm áp lực thi cử

Trước phương án Thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều học sinh nhận thấy mỗi môn học đều có những thế mạnh, ưu điểm riêng biệt, dù tiếng Anh không phải là môn thi bắt buộc nhưng vẫn không làm giảm đi vai trò của môn học này. Việc bỏ tiếng Anh là môn thi bắt buộc giúp học sinh linh hoạt hơn trong việc lựa chọn, giảm bớt áp lực thi cử so với trước đây.

Em Vũ Hà Chi, học sinh lớp 12D2, Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh cho biết: Học tốt tiếng Anh là cánh cửa tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận với du học quốc tế hoặc có nhiều cơ hội rộng mở cho việc làm sau này, vì vậy em vẫn tích lũy vốn từ vựng, rèn luyện nghe - nói môn học này hàng ngày.

Đồng tình với quan điểm trên, em Phan Anh Tuấn, học sinh lớp 11T2, Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập, thành phố Vinh cho rằng: Trong xu thế hội nhập như hiện nay, không thể phủ nhận được vai trò của ngoại ngữ. Nếu học tốt ngoại ngữ sẽ tự tin hơn khi giao tiếp và biết đến nhiều nền văn hóa khác nhau. Vì vậy, Anh Tuấn vẫn cố gắng học đều các môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, không xem nhẹ môn học nào.

Đổi mới dạy học ngoại ngữ

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định Ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến lớp 12. Ở bậc Cao đẳng, Đại học, ngoại ngữ tiếp tục được quy định là bắt buộc, yêu cầu đạt bậc 2 với trình độ Cao đẳng, bậc 3 với trình độ Đại học theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

Trước mục tiêu trên, nhiều học sinh xác định vẫn học tập nghiêm túc để sau này có thể ứng dụng Tiếng Anh vào cuộc sống, về phía giáo viên linh hoạt dạy học để thu hút học sinh.

Với các trường học ở vùng miền núi Nghệ An, ngoại ngữ còn là một tiêu chí nếu các em muốn đi du học hoặc đi xuất khẩu lao động. Vì vậy, các nhà trường vẫn khuyến khích học đều các môn và cần phải tiếp tục trau dồi ngoại ngữ, xem đây là một kỹ năng cơ bản cần phải có trong thời kỳ hội nhập.

Năm học này, Trường Trung học Phổ thông Quế Phong, huyện Quế Phong có hơn 550 học sinh lớp 12. Do đây là năm đầu tiên thực hiện thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới nên bắt đầu từ cuối năm lớp 11, nhà trường đã tiến hành khảo sát số lượng học sinh đăng ký dự thi các môn.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Tư, Phó hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Quế Phong cho biết: Thời điểm này, nhà trường vẫn đang dạy đều các môn học. Việc học đều các môn sẽ tạo điều kiện để học sinh có thể tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực hoặc có thêm kiến thức về môn Tiếng Anh, nhằm hỗ trợ các em sau khi ra trường và đi làm.

Qua khảo sát tại trường Trung học Phổ thông Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn có 13/500 học sinh lớp 12 đăng ký lựa chọn môn tiếng Anh. Dù số lượng học sinh lựa chọn để thi không nhiều nhưng giáo viên và học sinh nhà trường vẫn nỗ lực giảng dạy, học tập tiếng Anh để đảm bảo kết quả của chương trình.

Cô Trương Thị Lan, Giáo viên tiếng Anh trường Trung học Phổ thông Kỳ Sơn cho biết: Là môn học khó đối với học sinh miền núi nên giáo viên ngoại ngữ phải nỗ lực gấp đôi. Trước hết phải động viên các em học tập, cùng với đó thay đổi phương pháp dạy học. Về phần kiến thức của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tương đối khó nên giáo viên tiếng Anh phải truyền tải đúng mục tiêu chương trình nhưng cũng phải phù hợp với đối tượng học sinh, trình độ và năng lực của các em. Giáo viên phải tìm tòi, khai thác công nghệ thông tin ứng dụng vào bài học, khơi gợi sự hứng thú học tập từ đó truyền tải kiến thức, thu hút học sinh”.

Việc 100% học sinh không đăng ký dự thi môn Tiếng Anh cũng là điều không quá bất ngờ đối với các trường vùng khó ở Nghệ An. Với đặc thù học sinh của trường sau khi tốt nghiệp dự kiến sẽ đi du học, đi xuất khẩu lao động chiếm phần lớn, ban giám hiệu nhà trường vẫn chú trọng tập trung môn Tiếng Anh nhằm để các em có thể thích ứng khi lao động, học tập tại nước ngoài.

Tại trường Trung học Phổ thông Đô Lương 2, huyện Đô Lương, qua khảo sát hiện có 40 em/hơn 400 học sinh lớp 12 đăng ký dự thi môn tự chọn là môn tiếng Anh. Cô Bùi Thị Mỹ Hảo – giáo viên tiếng Anh của nhà trường cho biết: Giáo viên cũng phân loại học sinh để có phương pháp dạy học phù hợp. Với những em không lựa chọn môn tiếng Anh tâm lý học rất thoải mái và nhẹ nhàng, vì vậy giáo viên không tập trung luyện đề mà tăng vào rèn các kỹ năng nghe – nói, thuyết trình, kích thích học sinh tự tin trong giao tiếp. Với học sinh lớp năng lực, giáo viên sẽ kết hợp giảng dạy giữa kiến thức và kỹ năng theo cấu trúc đề thi 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó tăng phần đọc hiểu, sắp xếp hội thoại để các em đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới.

Đánh giá về phương án tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và ào tạo, thầy Phan Trọng Đông, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Diễn Châu 3, huyện Diễn Châu cho rằng: Phương án thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông không hề ảnh hưởng đến chất lượng dạy -học môn Ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông. Khi tiếng Anh không phải là môn thi bắt buộc vừa giúp học sinh "nhẹ gánh" trong ôn luyện, vừa tạo ra bước đi mới trong việc dạy và học ngoại ngữ.

Theo thầy Đông, trước phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông chỉ còn 2 môn bắt buộc, các giáo viên ngoại ngữ cũng đã có những thay đổi trong việc kiểm tra, giảng dạy, định hướng để giúp học sinh nắm vững kiến thức, làm quen dần với các dạng đề mới và đạt được hiệu quả tốt nhất.

Khi ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, các giáo viên sẽ nỗ lực để tạo ra những bài giảng thú vị, giúp học sinh không xem nhẹ và thoải mái trong giờ học. Về phía học sinh, với những em xác định học và lựa chọn thi tốt nghiệp có ngoại ngữ, các em sẽ phải tạo những thói quen, tư duy học tiếng Anh nghiêm túc và cầu tiến.