Giáo dục STEM bao gồm bốn lĩnh vực trụ cột: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics). Giáo dục STEM giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết tình huống thực tiễn của học sinh. Thời gian qua, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh giáo dục STEM nhằm phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, định hướng nghề nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.
Tiết học giáo dục STEM tại Trường THCS Nguyễn Du (TP. Thái Nguyên). |
Ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thái Nguyên, cho biết: Giáo dục STEM là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Từ năm học 2017-2018, các nhà trường triển khai giáo dục tích hợp Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán trong dạy học những môn học liên quan; mở rộng thí điểm giáo dục STEM tại một số cơ sở giáo dục trung học có đủ điều kiện. Tại các trường phổ thông, tổ, nhóm chuyên môn xây dựng các chủ đề dạy học STEM, dạy học tích hợp liên môn, dạy học qua nghiên cứu bài học và đưa vào kế hoạch giáo dục ngay từ đầu năm học. Thông qua các bài dạy STEM, học sinh được thực hành, thực nghiệm nhiều hơn, có cơ hội áp dụng lý thuyết vào thực tiễn.
Trong quá trình thực hiện, tùy thuộc vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, nhiều trường đã áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM như: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Đến nay, cơ bản các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh có đủ phòng học, có các phòng học bộ môn, phòng máy vi tính, được kết nối mạng Internet băng thông rộng và các thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT để phục vụ dạy học và giáo dục STEM.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp cùng với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn trong việc hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ giáo dục STEM. Trong đó, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) đã phối hợp, cấp thiết bị, dụng cụ, mô hình robot, tư vấn thiết kế phòng thực hành STEM Lab cho 31 trường THPT trên địa bàn.
Nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục STEM, Sở GD&ĐT đã cử các cán bộ, giáo viên cốt cán tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng về giáo dục STEM do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Sở cũng đã tổ chức tập huấn hoạt động trải nghiệm, thực hành về giáo dục STEM trong trường phổ thông cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường cấp tiểu học, THCS, THPT. Đồng thời phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) tổ chức Hội thảo “Hệ thống quan điểm định hướng trong chuẩn bị bài giảng và tổ chức giảng dạy STEM”, để các giáo viên được tham gia triển lãm STEM và thực hành về ứng dụng công nghệ in 3D trong xây dựng mô hình học tập và giảng dạy STEM...
Giáo dục STEM tăng cường phẩm chất và năng lực của học sinh, tạo hứng thú và động lực cho các em. |
Trong 3 năm học trở lại đây, các trường trung học triển khai dạy học 1.819 bài học STEM (396 bài cấp THPT; 1.423 bài cấp THCS). Song song với đó, hoạt động trải nghiệm STEM bước đầu được các nhà trường triển khai gắn với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo hứng thú và động lực học tập nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.
Một số chủ đề STEM đã ở mức vận dụng (thiết kế, thử nghiệm) hoạt động của bài học STEM trong chương trình vào việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn liên quan đến khoa học và công nghệ. Số lượng hoạt động trải nghiệm STEM đã thực hiện ở các trường trung học là 523 (134 hoạt động cấp THPT; 389 hoạt động cấp THCS).
Tiêu biểu như TP. Thái Nguyên có gần 300 học sinh và khoảng 50 giáo viên tham gia các câu lạc bộ STEM. Các trường mầm non và tiểu học cũng đã triển khai dạy STEM với nhiều mô hình và chủ đề khác nhau, tạo ra gần 50 góc STEM...
Việc triển khai giáo dục STEM trong các trường phổ thông đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh.
Nội dung hoạt động trải nghiệm STEM đã bước đầu gắn với các hoạt động sản xuất, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM ở các nhà trường phong phú, đa dạng, đã lôi cuốn học sinh vào hoạt động khám phá và vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong thực tiễn, được tổ chức trong nhà trường (dưới hình thức câu lạc bộ) và ngoài trường (tham quan, tìm tòi, khám phá thực tiễn)... Với những kết quả và lợi ích thiết thực, thời gian tới Sở GD&ĐT chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường học.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin