Tạo tiền đề cho học tiếng Anh ở bậc tiểu học

Thảo Nguyên 19:42, 12/11/2024

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến và quen thuộc đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc làm quen tiếng Anh ngay từ bậc học mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của cha mẹ học sinh và giúp trẻ được trải nghiệm, tạo hứng thú trong học tập. Từ đó hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ này, chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học; đồng thời tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với nền văn hóa, giáo dục tiên tiến…

Hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại Trường Mầm non 19-5 (TP. Thái Nguyên).
Hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại Trường Mầm non 19-5 (TP. Thái Nguyên).

Bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết: Từ những lợi ích thiết thực của việc cho trẻ làm quen sớm với tiếng Anh, Sở GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo, triển khai đến các địa phương; đồng thời, các cơ sở giáo dục chủ động triển khai Chương trình làm quen với tiếng Anh (LQVTA) dành cho trẻ em mẫu giáo tương đối bài bản, đáp ứng yêu cầu đề ra và bước đầu đã đạt kết quả đáng ghi nhận.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình, toàn tỉnh hiện có 209/245 trường mầm non và 20/57 cơ sở mầm non độc lập triển khai cho trẻ mẫu giáo LQVTA (đạt 76%), trong đó tỷ lệ trường mầm non là 85,3%, cơ sở mầm non độc lập là 35,08%. Cùng với đó, 100% các trường mầm non sử dụng tài liệu LQVTA dành cho trẻ em mẫu giáo đã được Bộ GD&ĐT thẩm định. - Bà Nguyễn Thị Quốc Hòa

Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 1.612/2.418 lớp mẫu giáo thực hiện cho trẻ LQVTA (bằng 66,6%), trong đó lớp mẫu giáo 3-4 tuổi là 432 lớp, mẫu giáo 4-5 tuổi: 579 lớp, mẫu giáo 5-6 tuổi: 601 lớp. So với thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình, số trường mầm non tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQVTA tăng khá cao.

Nếu như năm học 2020-2021 mới có 99 trường triển khai thực hiện (tập trung chủ yếu tại TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và huyện Đồng Hỷ) thì đến nay đã có 209 trường thực hiện ở 9 huyện, thành phố. Các địa phương có tỷ lệ trẻ mẫu giáo LQVTA cao là: Đại Từ (6.269 trẻ), Phú Bình (4.036 trẻ), TP. Thái Nguyên (8.794 trẻ), TP. Phổ Yên (3.242 trẻ)...

Điều đáng ghi nhận qua việc tổ chức LQVTA là đa số trẻ có hứng thú với tiếng Anh và tích cực tham gia các hoạt động liên quan, nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; thể hiện được một số yêu cầu ngắn, đơn giản, có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc trả lời các tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc; khi tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi; trẻ nhắc lại, nói được một cách tương đối rõ ràng. Ở trẻ được LQVTA có các kỹ năng tự tin hơn, nhạy bén hơn trong phát triển ngôn ngữ; mạnh dạn đặt câu hỏi nhiều hơn, tìm từ trả lời nhanh hơn, giao tiếp mạch lạc. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng nghe - nói, kỹ năng vận động, quan sát và ghi nhớ thông qua chủ đề bài học/trò chơi và hoạt động trải nghiệm thực tế ở các buổi LQVTA.

Từ đó, khiến cha mẹ trẻ khá hài lòng về các kết quả đạt được trong hoạt động LQVTA của trẻ. Phụ huynh học sinh nhận thấy rõ những lợi ích, hiệu quả khi trẻ học tiếng Anh sớm, đã đăng ký nhu cầu cho trẻ mẫu giáo LQVTA ngày càng đông. Chị Hoàng Thị Hương, phụ huynh Trường Mầm non Đồng Thịnh (Định Hoá) chia sẻ: Trước đây, con tôi thường nhút nhát, rụt rè. Sau khi tham gia hoạt động LQVTA tại trường, con mạnh dạn, tự tin hơn, về nhà con cởi mở trong giao tiếp, hòa đồng vào hoạt động cùng anh chị em trong gia đình. Tôi thấy, việc cho con tham gia hoạt động LQVTA tại trường rất thiết thực. Mặc dù người dân ở huyện miền núi như chúng tôi điều kiện kinh tế không khá giả, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định đăng ký cho con tham gia...

Trẻ mầm non tăng khả năng tương tác khi tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh.
Trẻ mầm non tăng khả năng tương tác khi tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh.

Để đạt được kết quả trên, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo LQVTA tại trường và chủ yếu phối hợp với trung tâm ngoại ngữ đã được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động. Một số ít cơ sở GDMN ngoài công lập lựa chọn và hợp đồng trực tiếp với giáo viên theo nhu cầu của cha mẹ học sinh và điều kiện của cơ sở giáo dục. Phần lớn các cơ sở GDMN lựa chọn tổ chức thực hiện 2 hoạt động LQVTA trong 1 tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25-35 phút theo từng độ tuổi mẫu giáo quy định; đồng thời, lựa chọn thời gian linh hoạt, phù hợp.

Toàn tỉnh hiện có 131 giáo viên đang dạy trẻ mẫu giáo LQVTA, tăng 43 người so với năm học 2020-2021. Trong đó: Giáo viên nước ngoài (bản ngữ, các nước nói tiếng Anh): 22 người; giáo viên người Việt Nam: 109 người. Về trình độ đào tạo: Giáo viên được đào tạo song bằng (tiếng Anh và mầm non) có bằng đại học: 12 người; giáo viên có trình độ tiếng Anh và chứng chỉ sư phạm bồi dưỡng về phương pháp cho trẻ mẫu giáo LQVTA hoặc tương đương (theo quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT): 119 người...

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình LQVTE cho trẻ em mẫu giáo theo quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT tăng cường cơ sở vật chất, củng cố nhân lực; các cơ sở GDMN phối hợp chặt chẽ với các trung tâm ngoại ngữ thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQVTA...