Ngày hội "Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng" năm 2024 được Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 20/7 tại Ðại học Bách khoa Hà Nội đã thu hút đông đảo thí sinh. Bên cạnh việc giải đáp thắc mắc, băn khoăn của cha mẹ, thí sinh, các chuyên gia tuyển sinh còn tư vấn cách lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng tối ưu vào ngành, trường phù hợp, nhất là được thí sinh yêu thích.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường đại học Thương mại. |
Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết: Thời điểm này tất cả thí sinh đã biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng đã công bố ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng đầu vào của hai nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Ngưỡng điểm này giúp các thí sinh có quyết định đúng đắn nếu chọn hai nhóm ngành nêu trên. Ngoài ra, hệ thống hỗ trợ xét tuyển của Bộ Giáo dục và Ðào tạo giúp các em không cần phải lựa chọn phương thức hay tổ hợp xét tuyển khi đặt nguyện vọng. Các bạn thí sinh có kết quả xét tuyển sớm trước đó đừng quên đặt nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Ðào tạo.
Ðể đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho phù hợp, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường đại học Y Hà Nội Lê Ðình Tùng đưa ra lời khuyên thí sinh dựa vào hai yếu tố: Ðiểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm chuẩn trúng tuyển những năm gần đây của các trường mà bản thân đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Năm 2024, thí sinh tiếp tục được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Vì vậy, các em nên mạnh dạn chọn những ngành, trường học yêu thích và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin và xác nhận thí sinh trúng tuyển nguyện vọng duy nhất. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
Ðến với ngày hội, không ít thí sinh chia sẻ gặp bất đồng quan điểm với cha mẹ khi bị áp đặt trong việc lựa chọn ngành nghề. Em Nguyễn Thu Lan, đến từ Hưng Yên chia sẻ: Từ nhỏ em yêu thích nghệ thuật cho nên mong muốn theo đuổi ngành thiết kế thời trang. Tuy nhiên, bố mẹ em lại định hướng theo học các khối ngành kinh tế để ra trường sẽ có công việc ổn định và thu nhập cao. Nhưng đấy không phải là thế mạnh của bản thân, em sẽ thuyết phục bố mẹ để được theo đuổi đam mê.
Trưởng phòng Khảo thí và Ðảm bảo chất lượng, Trường đại học Giao thông vận tải Nguyễn Thị Hòa cho biết: Có một thực tế cho thấy, cha mẹ luôn hướng con đến những ngành nghề mình nghĩ rằng sẽ tốt nhất cho con. Thực tế có những bạn rất thành công khi được gia đình định hướng ngành nghề. Nhưng ngược lại cũng không ít bạn phải học, làm việc ở những ngành nghề không thật sự yêu thích, dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc… thậm chí có nhiều em bỏ học giữa chừng. Vì vậy, nếu các con đã tự định hướng được ngành nghề và đam mê của mình thì cha mẹ nên tôn trọng và đồng hành cùng con.
Phụ huynh và học sinh tham dự Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024. (Ảnh QUỐC VIỆT) |
Nhiều phụ huynh và thí sinh băn khoăn, nên chọn ngành trước hay chọn trường trước; chọn ngành học theo xu thế thị trường hay theo năng lực cá nhân… Trưởng phòng Ðào tạo Trường đại học Ngoại thương Vũ Thị Hiền cho rằng: Thí sinh không nên chọn ngành theo số đông, cũng không nên chọn quá nhiều ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ bị rối. Thay vào đó, các em nên chọn ba nhóm ngành. Nhóm thứ nhất là nhóm ngành ước mơ, bao gồm những nguyện vọng yêu thích của bản thân. Nhóm hai là nhóm vừa sức, gồm các ngành các em mong muốn học và có nhiều cơ hội đỗ, vừa sức so với năng lực, sở trường của các em. Nhóm ba là nhóm tránh rủi ro, với những thí sinh chưa có nguyện vọng xét tuyển sớm nên chọn lựa những nguyện vọng thấp, có khả năng dễ đỗ, sẽ giúp các thí sinh không bị "tay trắng". Trường hợp trượt các ngành thuộc nhóm yêu thích, vừa sức, các em vẫn có cơ hội vào học một trường nào đó.
Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, Nguyễn Phú Khánh lưu ý: Khi đặt nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần phân tích phổ điểm những năm gần đây của các trường mà mình ứng tuyển. Các em nên chia nguyện vọng thành ba nhóm: Nhóm cao hơn điểm của mình, nhóm ngang bằng và nhóm điểm thấp hơn để bảo đảm an toàn; mạnh dạn đặt nguyện vọng yêu thích nhất lên vị trí trên cùng, nếu nguyện vọng đó là nguyện vọng trúng tuyển sớm thì các em chắc chắn trúng tuyển.
Ðể chọn được ngành học, trường học phù hợp, đại diện Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho rằng, trước hết, thí sinh cần định vị bản thân và trả lời bốn câu hỏi. Ðầu tiên, em có yêu thích ngành học đó không? Ðây là yếu tố quan trọng, bởi em phải yêu thích thì mới có đam mê, có đam mê mới có sáng tạo và sáng tạo mới dẫn tới thành công được. Thứ hai, ngành đó có phù hợp với năng lực, sở trường của em hay không? Nếu các em lựa chọn ngành nghề vượt quá sức mình sẽ vô cùng nguy hiểm. Em chỉ thích văn, giỏi văn, không giỏi các môn khoa học tự nhiên lại chọn khối trường công nghệ thì chắc chắn không phù hợp. Thứ ba, cơ hội việc làm của ngành đó thế nào? Thí sinh có quyền lựa chọn ngành học mình muốn, nhưng không thể xa rời mục tiêu phát triển bản thân, có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống. Thứ tư, khả năng kinh tế của gia đình em có chi trả được hay không? Thí dụ, em muốn vào học một trường có học phí lên tới vài trăm triệu đồng/năm nhưng gia đình em điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập chỉ khoảng vài chục triệu đồng/năm thì để theo học sẽ rất khó khăn. Nếu trả lời được đầy đủ bốn câu hỏi này, các em sẽ chọn được ngành phù hợp với mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin