Sau phiên thảo luận căng thẳng, chiều 8/12, HĐND Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng lệ phí trước bạ ôtô dưới 10 chỗ ngồi lên 20%, phí cấp biển là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, đề xuất tăng phí trông xe máy đã bị bác.
Chiều 8/12, đại biểu HĐND Hà Nội đã thảo luận về đề xuất phí trông giữ xe máy, xe đạp và lệ phí trước bạ do UBND thành phố đề xuất.
Theo UBND Hà Nội, những năm gần đây phương tiện giao thông cá nhân (ôtô dưới 10 chỗ) tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông tăng chưa kịp đáp ứng gây ùn tắc giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm. Do đó, cần tăng một số loại phí để góp phần giảm ùn tắc giao thông, tăng thu ngân sách.
Cụ thể, Hà Nội đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi lần đầu lên 20% (hiện nay là 12%), lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi vẫn giữ nguyên là 12%. Phí cấp biển ôtô dưới 10 chỗ không hoạt động kinh doanh vận tải là 20 triệu đồng (hiện nay là 2 triệu đồng). Phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số xe máy trị giá 15-40 triệu là 2 triệu đồng, xe máy trị giá trên 40 triệu đồng là 4 triệu đồng và giữ nguyên mức phí đối với xe máy dưới 15 triệu đồng là 500.000 đồng.
Cho rằng mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô hiện hành được xây dựng từ năm 2007 không còn phù hợp, UBND TP đề xuất phí trông giữ xe đạp ở các quận và huyện Từ Liêm là 2.000 đồng/lượt, cả tháng là 50.000 đồng (tăng 25.000 đồng); xe máy thu 3.000-5.000 đồng/lượt, theo tháng là 90.000 - 120.000 đồng (tăng 45.000 - 75.000 đồng). Trông giữ ôtô trong nội thành 30.000 - 40.000 đồng/lượt 120 phút, gửi tháng tối thiểu là 1,1 triệu đồng và tối đa là 4,5 triệu đồng.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: "Trông xe là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận”
Không đồng tình với báo cáo của UBND thành phố, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, trông xe là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận nên nếu tăng phí trông giữ xe mà không tăng phí thuê hè, đường thì nên tạm dừng việc tăng phí này.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Mạnh Hải nhìn nhận, trông giữ xe là vấn đề an sinh xã hội, lượng người sử dụng xe đạp, xe máy phần lớn có thu nhập thấp, có người một ngày phải gửi xe 5-6 lần nên nếu tăng phí trông xe sẽ làm tăng chi phí đáng kể của người dân.
"Hiện nay mức thu của các bãi trông giữ xe rất cao nên cần có chế tài quản lý. Phải yêu cầu niêm yết giá và nếu không thực hiện phải xử lý nghiêm", ông Hải nói.
Giải trình về vấn đề này, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, phí trông giữ xe đạp, xe máy tăng rất ít, chỉ 1.000- 2.000 đồng, trong khi trượt giá từ năm 2004 tới nay là 70%. "Thành phố rất kiên quyết rà soát các điểm trông giữ xe trái phép. Từ nay đến Tết sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra chặt các điểm trông xe có phép về vấn đề thu phí", vị đại diện nhấn mạnh.
Phản bác lại ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Thùy cho rằng, việc nói không tăng phí là không đúng bởi vé tháng tăng từ 45.000 lên 90.000 đồng, phí gửi xe nội thành tăng từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng, và ngoại thành tăng từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng. Trong khi thu nhập của công chức chỉ hơn 2 triệu đồng, gửi xe ở chung cư đã hết 170.000- 200.000 đồng/tháng. Đặc biệt, gia đình có người ốm nằm viện phải gửi xe 5-6 lần mỗi ngày.
"Đề nghị cân nhắc phí trông giữ xe đạp, xe máy vì người dân không thể đi bộ trong khi chưa có phương tiện thay thế", nữ đại biểu chia sẻ.
Trước đề xuất tăng phí trước bạ đối với ôtô dưới 9 chỗ lên 20% để giảm ùn tắc giao thông, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng điều này không công bằng đối với những người đăng ký biển 30 vì người ngoại tỉnh vẫn đi ôtô vào Hà Nội làm việc. Hơn nữa, nếu tăng lệ phí có thể xảy ra tình trạng người Hà Nội đăng ký nhờ ở tỉnh khác, gây thất thu cho ngân sách thành phố và ông đề nghị tăng đối đa 15%. Đại biểu Vũ Mạnh Hải cũng cho hay, nếu tăng lệ phí trước bạ, nhiều người sẽ không đăng ký xe ở Hà Nội.
Giải trình về vấn đề này, đại diện UBND thành phố khẳng định, việc tăng lệ phí trước bạ chỉ nhằm vào xe dưới 9 chỗ ngồi nhằm hạn chế xe du lịch. "Tôi có xe nhưng nếu đăng ký ngoại tỉnh thì tôi cũng không muốn. Cá biệt cũng sẽ có người sang tỉnh khác đăng ký nhưng không phải phần lớn".
Không đồng ý với giải trình trên, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam tiếp tục tranh luận: "Tôi cảm nhận việc ban hành chính sách này không công bằng, đánh giá tác động hơi chủ quan. Thành phố phải huy động các nhà khoa học xem có giải pháp hạn chế ôtô cá nhân hiệu quả hơn".
Để làm rõ ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện trung bình cứ 13 người dân Hà Nội có 1 giấy phép lái xe ôtô và 3,5 người dân có một giấy phép lái xe máy; chỉ riêng khu vực vành đai 3 đã có hơn 360.000 giấy phép lái xe ôtô. "Họ không phải làm bằng lái để chơi. Và việc tăng lệ phí trước bạ là giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông", ông Hùng nói.
Khẳng định quan điểm rằng phí trông giữ xe đạp, xe máy gần như không tăng còn phí trông giữ ôtô thì tăng cao, Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho hay quy định mức thu hiện nay quá thấp nên các điểm trông xe đều thu tùy tiện, thành phố khó quản lý. "Nếu không nâng giá, người trông xe vẫn thu tăng lên. Do vậy, nếu tăng phí này Hà Nội sẽ điều tiết để tăng thu cho ngân sách", ông Tưởng chia sẻ.
Sau phần thảo luận gay gắt, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng lệ phí trước bạ, phí trông giữ ôtô trên địa bàn, nhưng không thông qua đề xuất tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy, giữ nguyên mức phí như hiện nay.
Các quy định này được thực hiện từ đầu năm 2012.