Hướng tới một năm giao thông an toàn, ổn định

15:46, 31/01/2012

Hưởng ứng “Năm an toàn giao thông - 2012”, toàn tỉnh đang ra sức thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thiết lập trật tự kỷ cương giao thông, phấn đấu có một năm giao thông an toàn, ổn định.

Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ, Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia lại chọn năm 2012 là “Năm ATGT”. Nguyên do của nó chính là sự gia tăng mạnh mẽ tai nạn giao thông (TNGT) những năm gần đây, đặc biệt là năm 2011. Năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở, kỷ luật một số tỉnh, thành đã gia tằng tỷ lệ TNGT, đồng thời khen thưởng những địa phương làm tốt công tác kiềm chế và đẩy lùi TNGT. Với Thái Nguyên, tuy năm 2011 không trong diện bị nhắc nhở, song trước đó cũng là địa phương có tỷ lệ TNGT gia tăng, nhất là năm 2010 với trên 200 vụ TNGT, làm chết 238 người, bị thương 96 người. Theo đánh giá của Ngành Giao thông - Vận tải Thái Nguyên thì có ít nhất 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng TNGT.

 

Trước tiên là do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân. Việc đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cấp sửa chữa đường giao thông tuy đã được quan tâm, song chúng ta vẫn chưa có những tuyến đường hiện đại đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, độ an toàn lớn. Hơn nữa, tổ chức giao thông của chúng ta còn nhiều bất cập, hầu hết các tuyến đường là giao thông hỗn hợp, điều kiện để tổ chức phân làn còn hạn chế dẫn đến nguy cơ gây TNGT lớn. Hành lang ATGT chưa được giải toả thông thoáng, tình trạng họp chợ, lấn chiếm, che khuất tầm nhìn, gây cản trở giao thông còn tồn tại.

 

Thứ hai, các phương tiện giao thông những năm gần đây gia tăng một cách chóng mặt với mức tăng bình quân 20%/năm (năm 2011, số ô tô đăng ký mới trên địa bàn là 3.000 xe, đứng thứ 13 toàn quốc, nâng tổng số ô tô hiện có lên 26.703 xe; số mô tô, xe gắn máy đăng ký mới tăng thêm khoảng 40.000 xe, nâng tổng số lên 462.526 xe). Thứ ba, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân còn thấp, nhất là đối tượng thanh niên và ở khu vực vùng sâu, vùng xa.

 

Nhận thức rõ sự gia tăng đó, ngay từ quý 1 năm 2011, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành Đề án Kiềm chế và đẩy lùi TNGT trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu giảm mỗi năm từ 3% đến 5% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Sau khi ban hành kế hoạch triển khai, Đề án nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các ngành, địa phương và nhân dân toàn tỉnh. Các giải pháp mạnh tay đã được triển khai thực hiện và cho kết quả rõ rệt trên tất cả các tiêu chí. Năm 2011, chúng ta để xảy ra 166 vụ TNGT (giảm 43 vụ so với năm trước), làm thiệt mạng 184 người (giảm 54 người so với năm trước), bị thương 70 người (giảm 26 người).

 

Điều đáng chú ý là có 6/9 địa phương đã giảm TNGT đó là T.P Thái Nguyên giảm 16 vụ, T.X Sông Công giảm 9 vụ, Phổ Yên, Đồng Hỷ mỗi huyện giảm 6 vụ, Phú Lương 17 vụ, Đại Từ 2 vụ. Tuy nhiên, các nhà quản lý giao thông vẫn lo ngại sự tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục gia tăng tai nạn trong các năm tiếp theo nếu không có sự quan tâm đúng mức.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Ban thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban ATGT Quốc gia, ngay từ đầu năm 2012, Sở đã tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện “Năm ATGT”. Trước mắt, Ban ATGT tỉnh tổ chức tuần lễ ra quân phát động “Năm ATGT” (từ 3 đến 10-1) với chủ đề: Thiết lập trật tự, kỷ cương giao thông. Tiếp đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy tắc giao thông, tự giác tháo dỡ, xoá bỏ các điểm vi phạm hành lang ATGT; thống kê, rà soát các vị trí vi phạm lòng đường, vỉa hè, có phương án giải toả… Ngoài ra, trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Thìn và các ngày lễ hội đầu xuân mới, tỉnh đã tổ chức triển khai chiến dịch ATGT nhằm giảm TNGT và ùn tắc giao thông.

 

Kết quả, số vụ TNGT trong dịp này giảm 6 vụ so với dịp Tết năm 2011, số người bị thương cũng giảm 12 trường hợp. Về thực hiện kế hoạch cả năm, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị có kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện và khả năng hiện có nhằm tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng văn hoá giao thông, hướng tới một xã hội trật tự, kỷ cương, ATGT. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường hơn; công tác rà soát các vị trí điểm đen tiềm ẩn nguy cơ TNGT cũng được chú trọng, kịp thời báo cáo Bộ chủ quản bố trí kinh phí khắc phục; nâng cao chất lượng đào tạo cấp Giấy phép lái xe, tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức đội ngũ lái xe, nhất là xe chở khách; không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện các giải pháp đồng bộ giảm thiểu TNGT.

 

Theo ghi nhận của lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh tỉnh thì các lỗi vi phạm phổ biến nhất của người tham gia giao thông hiện nay là: Không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy (năm 2011 lực lượng chức năng của tỉnh xử lý tới 7.358 trường hợp), lái xe chạy quá tốc độ quy định (xử lý 2.270 trường hợp), xe ô tô chở quá tải (1.641 trường hợp), xe chở khách vi phạm các quy định ATGT (trên 5.000 trường hợp)… Điều dễ nhận thấy là số lỗi vi phạm trên hàng năm dường như không giảm mặc dù lực lượng chức năng đã xử lý rất kiên quyết. Chỉ với đó thôi cũng cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông hiện còn hạn chế.

 

Vấn đề đặt ra là không phải lúc nào cũng thực hiện các giải pháp mạnh tay là có thể mang lại kết quả tối ưu. Điều đáng bàn ở đây chính là nhận thức của người tham gia giao thông. Và muốn nâng cao nhận thức thì không có cách nào tốt hơn là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Để “Năm ATGT” thực sự mang lại kết quả khả quan, đòi hỏi sự phối hợp tuyên truyền của cả hệ thống chính trị, của mỗi tập thể, cá nhân, mỗi tế bào xã hội, trong đó các lực lượng ở cơ sở chính là nòng cốt.