Thực hiện Chỉ thị 22- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải đã triển khai các bước tham mưu cho UBND tỉnh quyết định các biện pháp kiềm chế, tiến tới đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Xác định công tác tuyên truyền là biện pháp quan trọng nhằm tác động đến tư tưởng, hành động của người tham gia giao thông, hàng năm Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp liên ngành tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung sát thực, tổ chức theo chủ đề, theo các đợt, chiến dịch cao điểm… phù hợp với từng đối tượng, nhóm đối tượng, tạo sự chú ý và hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân. Trong 8 năm thực hiện Chỉ thị 22 (từ năm 2003-2011), Ban ATGT tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Thái Nguyên, Báo Bạn đường, Đài PTTH tỉnh, Báo Công an nhân dân… với trên 700 tin, bài, ảnh phản ánh và phổ biến định hướng về ATGT. Phát trên 37 nghìn cuốn Luật Giao thông đường bộ, Luật đường sắt, đường thủy; 58 nghìn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông, trên 130 nghìn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền ATGT… Tổ chức các cuộc thi viết, thi thực hành kỹ thuật lái xe an toàn, trình diễn sản phẩm sân khấu về ATGT. toàn tỉnh đã tổ chức được 13 cuộc thi cấp tỉnh, thu hút trên 4.500 lượt người tham gia; tổ chức trên 100 cuộc thi viết và giao lưu về ATGT, thu hút trên 35 nghìn lượt người tham gia với các chủ đề: Thi tìm hiểu Luật ATGT, lái xe an toàn, đạo đức nghề nghiệp của lái xe, thực hành lái xe khoa học - an toàn, tuyên truyền giỏi về ATGT, tuổi trẻ với văn hóa giao thông…
Cùng với tuyên truyền giáo dục làm thay đổi hành vi, cách ứng xử của người tham gia thông thì việc thực hiện cưỡng chế thi hành pháp luật, thiết lập trật tự kỷ cương, xử phạt nghiêm minh được lực lượng công an, trật tự giao thông, trật tự đô thị phối hợp thực hiện tốt. Cảnh sát giao thông Công an tỉnh là lực lượng nòng cốt trong tuần tra, kiểm soát, với 33 đợt cao điểm kiểm tra: xe chở quá trọng tải, xe chở khách, kiểm tra xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lái xe sử dụng chất có cồn, lái xe vi phạm tốc độ… Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý, tạm giữ 12.547 xe ô tô; tạm giữ 128.698 xe mô tô, 214.713 bộ giấy tờ xe các loại; đánh dấu vi phạm 13.547 GPLX; tước GPLX có thời hạn 8.976 trường hợp; phạt hành chính 303.416 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước 61 tỷ 684 triệu đồng…
Ngoài nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông thì hạ tầng giao thông không đảm bảo, tổ chức giao thông vận tải thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng nhanh của phương tiện giao thông; chưa tạo được thói quen cho nhân dân đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng… cũng là những nguyên nhân dẫn tới TNGT. Vì thế, trong những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm xây dựng hạ tầng giao thông, tỷ lệ mặt đường bê tông xi măng, mặt đường nhựa các loại đã tăng từ 21% lên 46,4% (năm 2010). Điển hình là các tuyến: Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B, đường tránh Quốc lộ 3 đoạn qua T.P Thái Nguyên… Hiện nay một số dự án đang triển khai như: dự án mở rộng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 3 cũ, xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Đã xử lý được 61 vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT được xác định theo tiêu chí "điểm đen", trong đó tuyến đường Quốc lộ 34 vị trí, đường địa phương 27 vị trí. Tuyến đường sắt Hà Thái đoạn qua tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được 20 đường ngang hợp pháp, trong đó có 10 đường ngang có người gác và 10 đường ngang có cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại; kiểm tra, tháo dỡ kịp thời 25 đường ngang mở trái phép, đình chỉ 15 công trình xây dựng bất hợp pháp…
Nhờ triển khai tích cực các biện pháp trên nên số vụ TNGT và số người bị thương do TNGT đã được kiềm chế, tuy nhiên số người chết do TNGT vẫn có chiều hướng tăng (chủ yếu do lái xe phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn chết người). Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, từ năm 2003 đến hết năm 2011, toàn tỉnh đã xảy ra trên 2.800 vụ TNGT đường bộ, làm 1.433 người chết, bị thương 2.855 người. Bình quân mỗi năm xảy ra 358 vụ TNGT, làm chết 181 người, bị thương 356 người. Số vụ TNGT chủ yếu xảy ra trên các tuyến đường bộ; đường sắt chỉ có 21 vụ, làm chết 15 người; đường thủy xảy ra 1 vụ, làm chết 2 người.
Qua 8 năm thực hiện Chỉ thị 22 - CT/TW trên địa bàn tỉnh, có thể nhận thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông. Sự phối hợp liên ngành giữa các tổ chức, đơn vị trong hoạt động đảm bảo ATNG đã trở thành nền nếp, hoạt động có chất lượng, hiệu quả tuyên truyền giáo dục từng bước được nâng cao. Phong trào "Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT” đã nhận được sự hưởng ứng của cả cộng đồng, tự mỗi người đều ý thức được trách nhiệm đảm bảo ATGT cho bản thân và mọi người.