Báo động tình trạng mất an toàn giao thông dọc sông Đào

09:11, 09/02/2012

Nhiều năm nay, tuyến đường dọc bờ sông Đào trên địa bàn huyện Phú Bình đã trở thành nỗi ám ánh của những người tham gia giao thông.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ số vụ tai nạn mà người điều khiển phương tiện giao thông bị lao xuống đoạn sông này nhưng biết rằng đó là con số không nhỏ và đã khiến hàng chục người chết. Gần đây nhất là vào ngày 28 và 30/1  (tức mùng 6 và mùng 8 Tết Nhâm Thìn) đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm 3 người chết. Sự việc càng khiến người dân hoang mang, lo lắng...

 

Vụ tai nạn khiến 1 người chết xảy ra ngày 28/1 được quần chúng nhân dân phát hiện vào lúc 9 giờ sáng ngày hôm sau, thuộc địa phận xóm Hoà Bình, thị trấn Hương Sơn. Khi phát hiện có chiếc xe máy nằm dưới sông, người dân đã gọi điện báo với cơ quan chức năng. Qua xác minh, cơ quan Công an huyện xác định, chủ nhân chiếc xe máy DREAM này hiện cư trú ở xã Tân Hoà. Quá trình tìm hiểu được biết, chiếc xe đó đã được anh Trần Xuân Hà (là em rể của chủ xe) mượn đi chúc Tết vào buổi chiều ngày 28/1. Khoảng 20 giờ cùng ngày, chị gái của nạn nhân gọi điện vẫn thấy anh Hà nghe máy. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an nhận định, nhiều khả năng anh Hà bị lao xe xuống sông trong đêm 28. Quả nhiên, sau khi tổ chức tìm kiếm, đã phát hiện xác anh Hà nằm cách chiếc xe máy khoảng 10m. Qua khám nghiệm tử thi và hiện trường, công an huyện khẳng định, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Hà là tai nạn rủi ro khi tham gia giao thông đã tự lao xuống sông.

 

Vụ tai nạn thứ 2 cũng được xác định xảy ra vào buổi tối, vào khoảng 19 giờ 15 phút ngày 30-1. Hơn 1 giờ đồng hồ sau (khoảng 20 giờ 45 phút), người dân phát hiện ở giữa dòng sông Đào thuộc xóm Cổ Dạ, xã Bảo Lý có 1 chiếc xe ô tô con. Cơ quan công an đã tổ chức kiểm tra và trục vớt chiếc xe nhưng trong xe không có người. Nhận thấy kính trước bên ghế lái đã được hạ xuống nên cơ quan chức năng bước đầu nhận định nhiều khả năng sau khi bị lao xuống sông, người trên xe đã thoát được ra ngoài, nhưng do trời tối, lạnh, mặc nhiều quần áo nên có thể đã chết đuối dưới sông. Trong lúc ấy, có một chị tên Ngọc chạy tới xác nhận chiếc xe ô tô này rất giống với xe của 2 người bạn vừa ở nhà mình chơi lúc 19 giờ. Tổ chức tìm kiếm, cơ quan công an và gia đình đã vớt được 2 xác nạn nhân, một là anh Vũ Xuân Giang, sinh năm 1986, trú tại Trại Phú, thị trấn Bãi Bông, Phổ Yên; người thứ 2 là chị Lê Thị Ánh Nguyệt, sinh năm 1990, tiểu khu 5, thị trấn Bãi Bông, Phổ Yên. Theo nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó trưởng Công an huyện Phú Bình thì nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do mặt đường gồ ghề, trời tối, lại không quen đường nên lái xe tự lao xuống sông, chứ chiếc xe không va chạm với ai.

 

Tìm hiểu thực tế đoạn đường dọc bờ sông Đào chảy qua các xã từ Đồng Liên, đến Đào Xá, Bảo Lý, Xuân Phương, thị trấn Hương Sơn, Lương Phú, Tân Hoà đến điểm cuối cùng thuộc xã Tân Đức với tổng chiều dài hơn 26km, chúng tôi nhận thấy, trừ 1 đoạn sông chảy qua thuộc địa bàn thị trấn Hương Sơn và xã Xuân Phương thuộc Quốc lộ 37 dài khoảng hơn 2km là có lan can bảo vệ, số còn lại không hề có bất cứ vật dụng nào che chắn ranh giới đường với sông, trong khi đó, mép đường cũng chính là bờ sông. Do đó, chỉ cần 1 sơ suất nhỏ, người đi đường đều có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào. Trong khi đó, phần lớn tuyến đường dọc con sông này lại rất gồ ghề, khó đi, với nhiều ổ trâu, ổ voi ở giừa đường khiến người điều khiển phương tiện giao thông phải đi sát vào mép sông. Ngoài ra, trên dọc tuyến sông này còn có hàng chục cây cầu tạm do người dân địa phương tự làm không đảm bảo chất lượng đã và đang tồn tại hàng chục năm nay. Ngoài yếu tố hẹp về chiều ngang, nhiều cây cầu thậm chí còn không có lan can bảo vệ, trong khi đó, độ dốc từ mặt đường lên cầu lại khá lớn, khiến nhiều người khi đi xe đạp, xe máy và cả đi bộ trên những cây cầu này đã bị ngã xuống sông. Trường hợp may mắn, được phát hiện kịp thời thì sống, còn những trường hợp ngã không được phát hiện (thường vào ban tối) hầu hết đều bị đuối nước.

 

Trong quá trình tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi cũng đã ghi lại được nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại của người dân về mức độ an toàn khi đi trên đoạn đường này. Chị Lương Thị Phương, xóm Thanh Lương, xã Tân Hoà nói: Để ra đến trung tâm huyện, tôi có thể đi theo 2 cách: Đi qua đường làng và đi trên đường đê. Tuy đường đê to và khoảng cách ngắn hơn so với đi đường làng nhưng tôi rất ít khi chọn, vì đoạn đường này quá sát bờ sông. Nhiều lần đang đi còn gặp người đi sau lạng lách, phóng nhanh, rất nguy hiểm. Đồng tình với ý kiến này, đồng chí Dương Đình Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn làm rõ thêm: Hai bờ sông Đào đều là đường đi và đều tiềm ẩn sự nguy hiểm rất lớn đối với người tham gia giao thông. Ở bên này sông, đường to cũng đáng lo, vì nhiều người, nhất là lớp thanh niên thường hay phóng nhanh, vượt ẩu, dễ lao xuống sông. Còn đường bên kia (phía Bắc sông Đào) thì lại quá nhỏ hẹp, mấp mô, toàn bộ là đường đất, trời nắng thì bụi, trời mưa thì trơn truội. Người dân địa phương muốn sửa chữa, nâng cấp nhưng do phần đường này thuộc sự quản lý của cơ quan Thuỷ nông nên không được phép.

 

Để hạn chế tai nạn rủi ro cho người tham gia giao thông trên tuyến đuờng này, theo đồng chí Dương Đình Quang, đồng chí Nguyễn Văn Hưng và nhiều người dân thì rất cần có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong việc làm hành lang, mà trước hết là bên đường chính; cải tạo, nâng cấp và làm mới một số cây cầu không đảm bảo chất lượng; lắp đặt hệ thống biển báo về mức độ nguy hiểm của tuyến đường. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền để người tham gia giao thông làm chủ được tốc độ, hạn chế sử dụng rượu, bia… Có như vậy, tuyến đường mới không còn là nỗi ám ảnh của mỗi người dân trên địa bàn khi lưu thông trên tuyến đường này.