Nhiều năm qua, tại các ngã tư, ngã năm trên địa bàn T.P Thái Nguyên tình trạng lấn chiếm vỉa hè để họp chợ vẫn ngang nhiên diễn ra ở dưới chân tín hiệu đèn giao thông, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường...
Chúng tôi có mặt lúc 11 giờ tại ngã 5 Tỉnh ủy - điểm giao nhau giữa đường Bến Tượng, đường Phan Đình Phùng và đường 19-8 thuộc phường Trưng Vương. Ngay tại đầu đường 19-8, dưới tín hiệu đèn giao thông đang diễn ra cảnh mua bán nhộn nhịp, hai bên đường là các hàng quán, bán rau, thịt, hoa quả; dưới lòng đường, xe máy, xe đạp đỗ ngổn ngang. Nơi đây được những người bán hàng và người dân gọi là “chợ cóc” hay “chợ bóp”. Lúc đầu chỉ lác đác 4-5 hộ dân ở tổ 21 và 22 (phường Trưng Vương) bán các loại hàng như đậu phụ, rau, thịt, cá… trước cửa nhà. Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, số lượng hàng quán ngày một tăng lên, những người bán hàng chủ yếu đến từ các phường, xã lân cận như: Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), Huống Thượng (Đồng Hỷ)… Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 20-30 hàng quán bán tại nút giao thông này. Hàng quán tăng khiến người đến mua hàng cũng tăng theo, khiến tình trạng giao thông ở đây trở nên lộn xộn, đặc biệt là vào giờ tan tầm.
Ông Đào Văn Liệu, Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) 21 cho biết: “Trước tình trạng này, TDP giao cho “tổ phụ nữ tự quản” gồm 5 thành viên ra nhắc nhở, nhưng do không có thẩm quyền xử phạt nên hiệu quả đạt được rất hạn chế. Nhiều lần cử tri của Tổ cũng đề nghị với phường cần sớm xóa bỏ các hàng quán ở đây, nhưng không có chuyển biến gì”. Còn bà Nguyễn Thị Nhu, một người dân sống tại tổ 21, bức xúc nói: “Mặc dù nhà cách tín hiệu đèn khoảng 200m nhưng mỗi lần đi về qua đây tôi đều phải nói như hét thì người mua, người bán mới chịu nhường đường cho mình đi”.
Qua trao đổi với ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND Phường Trưng Vương, được biết: Tổ trật tự mỹ quan đô thị cùng với công an phường đã phối hợp với TDP 20 và 21 đã nhiều lần ra quân giải tỏa điểm họp chợ này nhưng chỉ được một lúc là đâu lại vào đấy. Trong thời gian tới, phường sẽ kiên quyết dẹp bỏ không cho tồn tại các hàng quán ở khu vực ngã 5 này”. Cũng theo ông Tuấn và các hộ dân sống gần khu vực này thì những vụ va quệt xe vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng tăng lên tại đây do những người mua người bán không tuân thủ theo tín hiệu đèn giao thông.
Không chỉ có ngã 5 Tỉnh ủy mà tại ngã 5 Quan Triều (phường Quan Triều), ngã tư Đồng Quang (phường Quang Trung) hàng ngày vẫn có những người bán hàng bày la liệt các loại rau, củ, quả... ngay dưới tín hiệu đèn giao thông. Có mặt tại ngã 5 Quan Triều vào lúc 7h sáng, hàng chục hàng quán đã bày bán tràn lan hết vỉa hè, mặc dù chợ Quan Triều chỉ cách tín hiệu đèn khoảng hơn 10m. Những người dân sống gần nút giao thông này cho biết: “Những người bán hàng ở đây khi nhìn thấy lực lượng về trật tự mỹ quan đô thị của phường xuất hiện thì họ thường vơ hàng chạy, khi khuất bóng, lại bày ra bán. Người mua thì tiện đâu mua đấy và thường đỗ xe tràn lan dưới lòng đường”. Tương tự, tại ngã tư Đồng Quang, mặc dù tín hiệu đèn đã có từ lâu và ngôi chợ tạm của chợ Đồng Quang đã được tháo dỡ, nhưng tình trạng bán hàng vẫn tồn tại dưới tín hiệu đèn giao thông.
Thiết nghĩ, để T.P Thái Nguyên trở thành đô thị văn minh, an toàn về giao thông, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm dẹp bỏ những hàng, quán tại các nút giao thông này, để tránh tạo ra các “điểm đen” về giao thông. Đưa ra các biện pháp xử phạt, đủ sức răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Còn đối với mỗi người dân khi đi mua hàng cần nâng cao ý thức chấp hành giao thông hơn nữa, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho chính bản thân và cộng đồng. Đó cũng chính là ý thức cần thiết để góp phần nâng cao trách nhiệm đối với xã hội.