Vận tải taxi - Quản lý cách nào?

14:10, 31/07/2012

Chỉ trong 3 năm trở lại đây, số hãng xe taxi đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh ta đã tăng gấp 2-3 lần so với trước, với trên 400 đầu xe các loại. Tuy nhiên, do số lượng xe tăng mạnh, hạ tầng bến đỗ lại thiếu và yếu, cộng với sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của các đơn vị nên hoạt động vận tải taxi trên địa bàn đang tồn tại nhiều bất cập.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Hoàng Hiền, Đội trưởng Đội Trật tự xã hội (Công an T.P Thái Nguyên) cho biết: Việc xử lý xe taxi vi phạm đỗ, dừng không đúng nơi quy định rất khó vì đối tượng lái xe luôn trong tư thế sẵn sàng bỏ chạy khi lực lượng công an đến. Điển hình như vào hồi 9h30 ngày 19-7-2012, Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1992), lái xe taxi Hoa Linh, mang biển kiểm soát (BKS) 20A-01.175 dừng, đỗ đón trả khách sai quy định tại đường Lương Ngọc Quyến, khu vực Bến xe khách Thái Nguyên. Khi Đội Cảnh sát giao thông (Công an T.P) ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra, Quân đã không chấp hành mà lái xe bỏ chạy với tốc độ cao nên đã va quệt với một xe ôtô khác, tổ công tác đã truy đuổi và bắt giữ được đối tượng. Tại cơ quan Công an, đo nồng độ cồn trong người Quân vượt quá quy định cho phép.

 

Theo thống kê của Công an T.P, từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt trên 110 trường hợp xe taxi vi phạm, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực Bến xe Thái Nguyên. Không chỉ vi phạm về lĩnh vực hành chính, hiện nay các loại tội phạm sử dụng xe taxi để hoạt động cũng có chiều hướng tăng. Trung tá Đàm Quốc Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Các băng nhóm tội phạm thường sử dụng xe taxi để đi gây án vì di chuyển nhanh, tránh được sự phát hiện của lực lượng chức năng. Do đó, Phòng đã có văn bản đề nghị các hãng taxi ký cam kết và phổ biến cho các lái xe khi thấy các nhóm côn đồ có biểu hiện nghi ngờ thì phải báo về tổng đài của đơn vị hoặc báo cho Công an theo số máy nóng 113, đơn vị nào không thực hiện khi có vụ việc xảy ra lực lượng Công an sẽ tiến hành tạm giữ phương tiện và xử lý theo hành vi không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, cam kết là vậy nhưng hầu như các lái xe taxi đều không thực hiện. Điển hình là vụ việc xảy ra đêm 14-7-2012, khi nhận được nguồn tin của nhân dân về một nhóm côn đồ đi trên một chiếc taxi gần quán OZON, khu vực Chợ Thái, thuộc phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), lực lượng Cảnh sát 113 đã kịp thời có mặt và phát hiện trên xe taxi BKS 20L-9891 của hãng Quỳnh Hoa (do lái xe Trần Sỹ Dương, sinh năm 1971, điều khiển) có 12 hung khí bao gồm: 1 kiếm dài, 2 đao dài, 2 dao quắm, 1 côn sắt và 6 tuýp sắt dài 1,2m. Ngay lập tức chiếc xe taxi và các đối tượng liên quan đã được đưa về cơ quan Công an để điều tra làm rõ vụ việc. Trong 6 tháng đầu năm nay, Phòng đã lập biên bản xử lý 99 trường hợp xe taxi vi phạm...

 

 Hung khí mà các đối tượng sử dụng để đi gây án được cơ quan công an thu giữ trên xe taxi BKS 20L-9891 của hãng Quỳnh Hoa ngày 14-7-2012 vừa qua.

 

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), tính đến hết tháng 6-2012 trên địa bàn tỉnh có 21 hãng xe taxi đăng ký hoạt động với 413 đầu xe, trong đó chủ yếu ở T.P Thái Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay cả thành phố mới chỉ có 3 điểm đỗ xe công cộng (tại Quảng trường 20-8, trước cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và tại phường Trung Thành), nên mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu. Như vậy, với trên 400 đầu xe như hiện nay thì các xe taxi sẽ đỗ ở đâu? Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vinh, Phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT) cho biết: “Theo Nghị định số 91 ngày 21-10-2009 của Chính Phủ và Thông tư  số 14 ngày 24-6-2010 của Bộ GTVT quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, thì một trong các điều kiện để doanh nghiệp vận tải taxi được cấp phép hoạt động đó là phải có điểm đỗ xe của doanh nghiệp. Do đó, khi doanh nghiệp có đủ điều kiện là chúng tôi cấp phép và tiến hành kiểm tra phương tiện, cấp phù hiệu cho từng xe theo đúng quy định”.

 

Tuy nhiên, có một thực tế đó là dù doanh nghiệp có điểm đỗ tại đơn vị thì các xe cũng không thể nằm ở một điểm tại doanh nghiệp để đợi khách mà phải tản ra các khu vực khác nhau để kịp thời phục vụ khi người dân có nhu cầu. Anh Phạm Quý Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Thái Nguyên (Tập đoàn Mai Linh) - chuyên về dịch vụ taxi cho biết: Với trên 100 đầu xe, đơn vị đã thuê hẳn một quỹ đất rộng để làm điểm đỗ xe, nhưng do T.P Thái Nguyên có quá ít điểm đỗ công cộng nên rất khó cho các lái xe. Tập đoàn Mai Linh có chi nhánh hoạt động tại 54 tỉnh, thành trong cả nước, ở các tỉnh chúng tôi thấy ngoài điểm đỗ của Công ty, còn có rất nhiều các điểm đỗ xe công cộng để lái xe đợi đón khách một cách nền nếp. Ví dụ tại Bắc Ninh có 60 điểm; tại Vĩnh Phúc có 26 điểm đỗ xe công cộng… Nhưng tại T.P Thái Nguyên mới chỉ có 3 điểm là quá ít so với nhu cầu.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Vinh, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên cho biết: Việc cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp taxi được Sở thực hiện rất chặt chẽ đúng quy định, hiện nay, Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành chức năng ở các tỉnh vào dự thảo sửa đổi Nghị định 91, trong đó có điểm mới là quy định mức đầu xe tối thiểu khi xin cấp phép của các doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp hạn chế được các doanh nghiệp hoạt động manh mún, nhỏ lẻ xin cấp phép tràn lan. Cùng với đó, Sở sẽ tạo kiện để các hãng taxi lớn có thương hiệu vào đầu tư trên địa bàn để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, cũng như tạo sự thanh lọc, đào thải cần thiết. Về việc xây dựng các điểm đỗ công cộng cho các loại hình vận tải, trong đó có xe taxi, Sở đã có văn bản đề nghị thành phố dành quỹ đất thoả đáng để phát triển giao thông tĩnh. Hiện nay, việc taxi vi phạm nhức nhối nhất về điểm đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định vẫn là khu vực Bến xe khách Thái Nguyên, Sở đang giao cho Bến xe khảo sát, quy hoạch điểm đỗ cho taxi tại Bến để kịp thời giải toả khách. Tuy nhiên, để tránh trường hợp các hãng taxi vào Bến hoạt động lộn xộn, Bến xe sẽ xây dựng quy chế đấu thầu và lựa chọn các hãng xe có uy tín, năng lực để cấp phép cho vào đỗ trong Bến. Để kịp thời ngăn chặn các loại tội phạm sử dụng xe taxi để hoạt động, Sở sẽ có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải thông báo ngay việc sang nhượng, chuyển bán xe taxi để có biện pháp quản lý chặt chẽ loại hình này. Cùng với đó, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông, đạo đức người lái xe cho các các hãng taxi và các lái xe taxi nhằm từng bước xây dựng văn hoá giao thông trong hoạt động vận tải taxi trên địa bàn.

 

Năm 2007, T.P Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai Đề án Phát triển mạng lưới giao thông tĩnh. Theo Đề án thì sẽ có một bến xe khách liên tỉnh, một bến xe tải liên tỉnh, tại mỗi đầu mối giao thông khu vực cửa ngõ thành phố sẽ có các bãi đỗ, rửa xe; khu vực công sở, khu đông dân cư sẽ có các điểm đỗ xe công cộng được xây dựng… Tuy nhiên, việc triển khai Đề án còn chậm do nhiều nhà đầu tư còn chưa mặn mà với lĩnh vực này.

 

 

Ông Nguyễn Đức Hiểu, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoa Mai: Chúng tôi hoạt động taxi đã 10 năm, tôi thấy nhu cầu của người dân hiện nay đối với loại hình này đang ngày càng tăng cao nhưng việc quy hoạch các điểm đỗ tĩnh cho xe taxi của T.P Thái Nguyên lại thiếu và yếu, do vậy đã nảy sinh những bất cập trong hoạt động vận tải taxi. Chúng tôi rất mong tỉnh, thành phố sớm xây dựng các điểm đỗ công cộng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân…  

Ông Phạm Quý Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Thái Nguyên: Để quản lý chặt hoạt động của các xe taxi, chúng tôi vừa đầu tư hệ thống GPS - giám sát hành trình, hiện, đang chạy thử nghiệm, đến đầu tháng 10 tới sẽ chính thức đưa vào hoạt động trong toàn Công ty…