Tin vui từ Tổng công ty ĐSVN, năm 2012 và tháng 1 của năm 2013, tai nạn giao thông đường sắt giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Một trong những nguyên nhân tai nạn giao thông đường sắt giảm sâu là kết quả của việc thực hiện QĐ 1856/CP cũng như một số dự án khẩn cấp đảm bảo ATGT đường sắt. Ông Đới Sỹ Hưng, Trưởng Ban chuẩn bị đầu tư các Dự án ATGT Đường sắt đã trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí.
PV: Ông có thể cho biiết một số kết quả thực hiện Quyết định 1856/CP giai đoạn 2 cũng như dự án khẩn cấp đảm bảo ATGTĐS ?
Ông Đới Sỹ Hưng: Triển khai thực hiện QĐ1856/CP, ĐSVN đã đi được 1/2 lộ trình, khối lượng công việc của giai đoạn 2 đang được triển khai, đảm bảo tiến độ đề ra. Riêng dự án khẩn cấp thi công 3 cầu chung với đường sắt như Tam Bạc, Thị Cầu, Đồng Nai sẽ hoàn thành và thông xe vào 30/4 và 19/5 tới đây.
Cả 3 cầu này đều được khởi công cách đây 15 tháng, nhưng hiện đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Trong đó cầu Đồng Nai và Thị Cầu phấn đấu sẽ hợp long vào ngày 31/3, cầu Tạm Bạc do vướng mặt bằng nên sẽ gác dầm nối hai đầu vào ngày 31/3/2013. Còn nhớ khi khởi công 3 cây cầu này, đứng trước nhiều khó khăn, nhiều đồng chí lãnh đạo của một số tỉnh liên quan cũng cho rằng không thể xong trước tháng 3 năm 2013. Thế những đến giờ này, tôi có thể khẳng định điều đó sẽ trở thành hiện thực.
Một trong những nguyên nhân để các nhà thầu hoàn thành thi công cầu đúng như tiến độ đề ra là giải pháp thi công hợp lý, trong khi chờ mặt bằng đã thi công từ giữa sông sang hai bên. Cùng với đó là công tác "dân vận khéo" được áp dụng sáng tạo ở đây… Chính vì vậy dù gặp nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng hiện đã cơ bàn hoàn thành. Cầu Tam Bạc có chậm hơn một chút là do điều chỉnh thiết kế, hạ độ cao của cầu.
Về vốn cho 3 cây cầu này hiện đã bố trí được 500 tỷ đồng trên tổng số hơn 1000 tỷ đồng, thực tế các nhà thầu đã hoàn thành tới 80%, điều này nói lên sự cố gắng rất lớn của các đơn vị thi công. Cùng với 3 cây cầu trên, một số cây cầu chung còn lại cũng đã có phương án giải quyết, kết nối với các dự án QL 1 và Đường Hồ Chí MInh. Duy nhất còn cầu Lục Nam đang làm báo cáo khả thi và cũng sẽ được triển khai trong năm 2013, để năm 2015 không còn tình trạng cầu đường sắt đi chung với đường bộ.
PV: Được biết, trong năm qua, ĐSVN còn chủ động triển khai xây dựng nâng cấp nhiều đường ngang, xóa nhiều điểm đen, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Đới Sỹ Hưng: Với sự quan tâm của Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành, năm 2012, ĐSVN đã triển khai sửa chữa, nâng cấp được 100 km đường gom, 150 đường ngang các loại với kinh phí đã được cấp 400/1500 tỷ đồng. Cùng với đó dự án nâng cấp sửa chữa 291 đường ngang vi phạm Điều lệ đường ngang được bổ sung từ vốn theo QĐ 1856/CP cũng đã triển khai. Trong năm 2012 đã được bố trí 20 tỷ/650 tỷ, theo kế hoạch dự án này cũng sẽ hoàn thành trong năm 2013.
Việc điều chỉnh hạ độ cao một số đoạn hàng rào đường bộ song song với đường sắt đã hoàn thành 37 điểm. Thực tế hơn 100 km đường gom và hơn 50 km hàng rào đã phát huy rất tốt tác dụng, số vụ tai nạn cũng như số người chết và bị thương trong 2 năm qua giảm đáng kế.. Việc cải tạo, nâng cấp trên 300 đường ngang, xây dựng được một số hầm chui, cầu vượt, chuyển đổi một số đường dân sinh nguy hiểm thành đường ngang có người gác, xây dựng hàng rào hộ lam, làm đường gom dân sinh ở một số đoạn … đã có tác dụng giảm đáng kể TNGT đường sắt.
PV: Việc giải tỏa lập lại hành lang ATGTĐS vô cùng quan trọng, và chỉ có như vậy mới giảm thiểu được TNGTĐS, Ban chuẩn bị đầu tư các Dự án ATGT Đường sắt đã có số liệu điều tra cụ thể ông có thể cho biết sơ bộ tình trạng vi phạm hành lang ATGTĐS?
Ông Đới Sỹ Hưng: Tổng công ty ĐSVN đã hoàn tất việc thống kê, rà soát và phân loại các trường hợp vi phạm hành lang ATGTĐS trên toàn tuyến đường sắt quốc gia, chủ động đưa ra các giải pháp cụ thể, chia thành các bước. Đặc biệt đã thống kê, rà soát tất cả đường ngang không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các vị trí vi phạm hành lang ATGTĐS trên toàn tuyến đường sắt quốc gia.
Bước 1 đầu tư xóa bỏ các điểm đen thuộc phần xây lắp của Tiểu dự án 2; Lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường gom để đóng cơ bản tất cả các đường ngang dân sinh tự mở trên các tuyến đường sắt quốc gia; nâng cấp, cải tạo các đường ngang hợp pháp nhưng lại vi phạm quy định kỹ thuật, tức là không đảm bảo tiêu chuẩn của Điều lệ đường ngang. Đây là tồn tại do lịch sử để lại, nhưng cần phải được cải tạo nâng cấp để đảm bảo độ dốc bằng phẳng, tầm nhìn thông thoáng, tín hiệu thông suốt. Bước 2, khi có kinh phí sẽ giải toả đền bù mặt bằng theo quy định của Luật Đường sắt.
Qua thống kê, ước tính kinh phí để thực hiện việc lập lại hành lang ATGTĐS lên tới 39.752 tỷ đồng. Trong đó bước 1 cần khoảng 1600 tỷ đồng để xóa bỏ các điểm đen thuộc phần xây lắp của Tiểu dự án 2; Xây dựng hệ thống đường gom, cải tạo, nâng cấp các đường ngang hợp pháp chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời với việc cải tạo, xoá bỏ điểm đen là việc chuẩn bị, lập dự án đầu tư cho giai đoạn sau.
Tổng công ty ĐSVN luôn xác định công tác đảm bảo trật tự ATGTĐS, trong đó có công tác xóa các điểm đen được ưu tiên hàng đầu và việc giải tỏa và bảo vệ hành lang ATGTĐS là nhiệm vụ quan trọng. Bởi hành lang ATGTĐS được lập lại thì mới bảo đảm an toàn chạy tàu và giảm thiểu TNGTĐS. Từ đó mới nâng cao được hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.
Trong số các đường ngang hợp pháp hiện nay, có trên 50% không đủ điều kiện an toàn theo quy định của Điều lệ đường ngang, đó là chưa nói tới trên 4000 đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Yêu cầu vốn đầu tư cho việc nâng cấp sửa chữa đường ngang hợp pháp, sửa chữa các điểm đen rất lớn. Vì vậy, khó khăn vẫn còn. Với nguồn vốn bố trí cho các dự ATGTĐS còn hạn hẹp như hiện nay thì công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGTĐS đúng tiến độ sẽ vô cùng khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp các “điểm đen” trước, sau đó mới đến việc thiết lập lại hành lang ATGTĐS.
PV: Xin cảm ơn ông
Với những ưu điểm: Khả năng vận chuyển lớn, đi xa, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, thích hợp với nhiều tầng lớp dân cư, ít chiếm dụng đất, ít ô nhiễm môi trường… đã đến lúc phải đầu tư lớn cho ĐSVN - Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực GTVT.
Hiện tổng chiều dài của đường sắt Việt Nam có 3.200 km. Trong đó có 2.214 km khổ 1.000 mm (84,1%), 161 km khổ 1.435 mm (6,1%), 220 km đường lồng 1.000 mm và 1.435 mm (8,4%) và 506 km đường tránh, đường nhánh. Mới có 31 trong 63 tỉnh thành có đường sắt đi qua. Chưa có mạng đường sắt phục vụ vận tải công cộng tại các thành phố lớn. Cơ sở hạ tầng và đầu máy toa xe nói chung còn nghèo nàn, lạc hậu. Thị phần vận tải đường sắt đang có xu hướng giảm dần cả về hành khách và hàng hóa. Trong bối cảnh trên việc đầu tư cho đường sắt là cấp thiết.