Sau 4 đợt tổ chức phân làn giao thông trên các tuyến phố với số tiền chi phí hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay hiệu quả của dự án phân làn giao thông tại Hà Nội chưa như mong đợi, trên những tuyến đường phân làn người tham gia giao thông vẫn đi lại lộn xộn...
Đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã lắp đặt biển báo và các đoạn dải phân cách cứng bằng bêtông để tách làn phương tiện trên 5 tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Kim Liên - Xã Đàn; Giải Phóng (đoạn Pháp Vân - Đại Cồ Việt); phố Huế - Hàng Bài và phố Bà Triệu. Tuy nhiên, trên các tuyến phố phân làn, nhất là đoạn đường Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Kim Liên - Xã Đàn; Giải Phóng (đoạn Pháp Vân - Đại Cồ Việt), vẫn thấy các xe ôtô đi vào làn xe máy và xe máy đi vào làn ôtô thì phổ biến, thậm chí làn đường dành cho xe đạp gần như bị xe máy chiếm dụng hết.
Theo Ts. Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện KHCN GTVT: “Qua các đợt phân làn từ năm 2005 trở lại đây, hiệu quả đạt được chưa cao. Về tổng thể, vẫn có sự đan xen, xe máy vẫn đi lẫn vào dòng xe ôtô. Do hiệu quả phân làn trên các tuyến phố không cao nên đã gây nhiều phản ứng, người dân không hài lòng vì thấy không hợp ly, trong khi những người có ý thức vẫn phải chấp hành còn người vi phạm thì dường như cũng cảm thấy “không có lỗi”.
Theo PGS. TS Nguyễn Quang Đạo (Đại học Xây dựng Hà Nội) thì: “Thông thường không ai đặt cột biển báo và dải phân cách giữa đường. Về phương pháp đặt, đó là bất hợp lý. Nếu đặt biển không đúng chỗ, thì người tham gia giao thông không thể tuân thủ được. Một điểm bất hợp lý nữa là, có khá nhiều bến xe buýt ngay sát vị trí cắm cột và đặt dải phân cách. Trong khi nguyên tắc phân làn, xe ôtô, trong đó co cả xe buýt, đi phía bên trái, trong khi các bến xe buýt nằm ở lề đường bên phải. Muốn đón khách, xe buýt bắt buộc phải lấn làn của xe máy, xe đạp. Khi xe buýt dừng đón, trả khách sẽ chắn phần lớn hoặc toàn bộ làn đường khiến người đi xe máy buộc phải lách sang, thậm chí rẽ hẳn sang làn đường dành cho ôtô để tiếp tục lưu thông. Việc này rất nguy hiểm, khiến người đi xe máy dễ đâm vào cột biển báo, dải phân cách khi tránh xe buýt”.
Còn theo phân tích của TS.Khuất Việt Hùng, chuyên gia về giao thông Đường bộ: “Hiện các nước trên thế giới thường có 2 cách phân làn: phân làn mềm, hay phân làn bằng vạch sơn và phân làn cứng, tức là tách làn phương tiện bằng những công trình hay kết cấu lắp ghép hoặc xây dải phân cách. Phân làn cũng có thể theo loại giao thông, như giao thông tiếp cận được đi phía trong, giao thông thông suốt đi làn giữa, giao thông tốc độ thấp đi làn bên phải. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát sẽ thấy số tuyến đường phố ở Hà Nội có vạch phân làn đầy đủ theo đúng quy chuẩn, quy định không nhiều...”.
TS. Doãn Minh Tâm cho biết, cách làm thời gian qua ở Hà Nội là giao cho một Ban QLDA để theo dõi, chỉnh sửa dự án phân làn giao thông nên chưa mang tính bền vững. Cách làm bền vững là phải thường trực có một đơn vị tư vấn được thành phố, Sở GTVT giao nhiệm vụ quanh năm đi nghiên cứu, tìm hiểu dòng xe để giải quyết tổng thể toàn thành phố, sau đó gỡ từng nút, từng điểm một. Cần nghiên cứu xem Hà Nội hiện có bao nhiêu nút tắc, nút có vấn đề, tổng số chiều xe vào, chiều xe ra vào giờ cao điểm theo hướng nào, tuyến nào...
Trên cơ sở nghiên cứu đó, mới tính toán để phân luồng, phân làn. Phân làn chỉ là việc cho hướng xe chạy, nhưng phân luồng là cả vấn đề khoa học. Năm 2010 – 2011, các nhà khoa học cũng đăng ký đề tài, dự án đăng ký đề tài nghiên cứu tổ chức giao thông tổng thể cho Tp. Hà Nội, nhưng lại không được chấp thuận.
Ngoài việc phải tổ chức phân luồng, phân làn hợp lý, thì về việc xử lý vi phạm không theo đúng làn đường cũng cần phải được các lực lượng chức năng giám sát, xử lý, xử phạt thường xuyên và quyết liệt hơn, có như vậy thói quen tham gia giao thông đúng làn ở Hà Nội mới dần đi vào nề nếp.