Dồn lực kéo giảm TNGT

09:16, 19/03/2013

Thực hiện “Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, ngày 14/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 620/QĐ-BGTVT ban hành Chương trình hành động của Bộ GTVT trong đó nêu rõ vai trò trách nhiệm của CBCNV ngành GTVT gương mẫu, nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về đảm bảo TTATGT, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, quyết liệt kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông.    

Mục tiêu của Chương trình nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo và sự phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, giải pháp bảo đảm TTATGT của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành GTVT. Phấn đấu hàng năm góp phần kiềm chế, giảm từ 5% đến 10% TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ bảo đảm TTATGT, từng bước củng cố, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, phòng ngừa tiêu cực trong khi thi hành công vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong giai đoạn mới. Chương trình cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của CBCNVC ngành GTVT trong việc gương mẫu nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về bảo đảm TTATGT, thực hiện “Văn hóa giao thông”.

 

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ tổ chức quán triệt, phổ biến các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong bảo đảm TTATGT của Chỉ thị 18-CT/TW, đặc biệt là các nội dung liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tới toàn thể CBCNVC để nắm bắt và thực hiện nghiêm chỉnh. Phát động phong trào CBCNVC đề cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân trong bảo đảm TTATGT, lên án, bài trừ các hành vi sai phạm, tiêu cực; bản thân phải gương mẫu và tích cực vận động mọi người chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT. Các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT phải chủ trì và chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến, giáo dục  ATGT với hình thức và nội dung phong phú, phù hợp với mọi đối tượng để mọi người hiểu, đồng thuận với các chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.

 

 

Đồng thời phải tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng công trình giao thông, nâng cao năng lực vận tải; Chủ động và phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển giao thông, vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, có lộ trình và kế hoạch triển khai ngay sau khi được phê duyệt; Thường xuyên theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất với Bộ giải pháp khắc phục, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Trong quá trình triển khai thực hiện cần quan tâm yếu tố xây dựng môi trường giao thông tiếp cận dành cho người khuyết tật tham gia giao thông được an toàn, thuận lợi theo quy định của Luật Người khuyết tật và các Nghị định, văn bản hướng dẫn có liên quan.

 

Chương trình cũng đề ra nhóm giải pháp gắn với việc nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT với các giải pháp chính như Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về TTATGT; Tăng cường công tác tổ chức giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; Quản lý phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và quản lý hoạt động vận tải; Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bằng chứng chỉ chuyên môn lái tàu, thuyền và quản lý người lái; Đổi mới, nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát, năng lực, trách nhiệm của người thực thi công vụ cũng như các giải pháp về khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.

 

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục, vụ, ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT tổ chức phổ biến Chỉ thị 18-CT/TW, các quy định mới có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chương trình hành động này và xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện chương trình hành động này. Các sở GTVT căn cứ vào Chương trình hành động này tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để ban hành, điều chỉnh, bổ sung Chương trình hành động của địa phương về thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW phù hợp với tình hình bảo đảm TTATGT của địa phương và triển khai thực hiện.Vụ Pháp chế thực hiện hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; chủ trì phối hợp với Vụ ATGT, Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức khảo sát, kiểm tra, đánh giá hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành GTVT.