Đề nghị bổ sung các dự án trên tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên

08:50, 21/10/2015

Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn dư hơn 14,2 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đề nghị sử dụng khoản vốn dư này để bổ sung các dự án nằm trên hai tuyến đường này.

Dư hơn 14,2 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ

 

Chiều ngày 20-10, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

 

Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, tổng mức vốn đã được bố trí đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 64.294 tỷ đồng. Trong đó: các dự án mở rộng QL 1 là 53.314 tỷ đồng; các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 10.980 tỷ đồng.

 

Đến nay, sau khi rà soát lại, do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các dự án chỉ còn 50.035 tỷ đồng, trong đó: các dự án mở rộng quốc lộ 1 là 43.404 tỷ đồng; các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 6.631 tỷ đồng.

 

Như vậy, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) còn dư là 14.259 tỷ đồng.

 

Chính phủ trình dự kiến phương án sử dụng vốn dư nhằm bổ sung các dự án nằm trên tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Trước đây, dự kiến sử dụng nguồn vốn khác nhưng hiện đang gặp khó khăn, một số tuyến tránh, một số nút giao và mở rộng một số đoạn nhằm đồng bộ quy mô và bảo đảm an toàn giao thông).

 

Bên cạnh đó, triển khai các dự án có tính kết nối với QL 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nhằm hoàn thành đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư của hai tuyến đường này.

 

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn TPCP còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp QL 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28-11-2013 để đầu tư các dự án nêu trên với tổng số kinh phí không quá 14.259 tỷ đồng.

 

Đề nghị giao Chính phủ quyết định sử dụng nguồn vốn TPCP tiếp tục còn dư (nếu có) của các dự án cải tạo, nâng cấp QL 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chủ động xử lý các vấn đề phát sinh nhằm phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư hai tuyến đường này; thực hiện mức phát hành TPCP hằng năm theo tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn TPCP.

 

Bảo đảm các dự án được đề xuất thực sự cấp bách

 

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay, đa số ý kiến trong cơ quan này thống nhất với Chính phủ về các nguyên tắc sử dụng vốn dư. Theo đó, các dự án dự kiến được phân bổ nguồn vốn dư này cần phải nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn TPCP được Quốc hội quyết định, hoặc là các dự án trên tuyến QL 1A cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các dự án kết nối, góp phần phát huy hiệu quả đối với hai tuyến đường này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ tính cấp bách, cần thiết của từng dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ bố trí vốn cho các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn TPCP, ưu tiên cho các dự án đường giao thông đến trung tâm xã.

 

Về dự kiến phương án phân bổ vốn dư, đa số ý kiến nhất trí với danh mục, mức vốn được phân bổ theo nội dung Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc phân bổ và sử dụng số vốn còn dư để đầu tư cho các công trình liên quan trực tiếp đến QL 1A, đường Hồ Chí Minh là góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng hai tuyến đường này. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ hơn, bảo đảm các dự án được đề xuất phân bổ vốn dư là những dự án thực sự cấp bách, có trong danh mục các dự án sử dụng vốn TPCP.

 

Cũng có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong bối cảnh nợ công tăng cao, ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, vốn TPCP lại là vốn vay, trong trường hợp đã hoàn thành mục tiêu của các dự án đầu tư theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 của Quốc hội thì không nên tiếp tục phát hành, phân bổ, sử dụng nguồn vốn TPCP dư này nhằm hướng tới mục tiêu giảm bớt áp lực về nợ công.

 

Qua xem xét danh mục các dự án, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với phương án sử dụng vốn dư để bổ sung cho các dự án nằm trên tuyến QL1 và đường Hồ Chí Minh (bao gồm cả tuyến tránh); các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn TPCP theo các Nghị quyết của Quốc hội và dự án có tính chất kết nối với QL 1A và đường Hồ Chí Minh. Các dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận, đồng ý về chủ trương hoặc cho phép sử dụng nguồn vốn TPCP như nội dung Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, bố trí đủ vốn để bảo đảm hoàn thành các công trình đã được Quốc hội quyết định đầu tư trên tuyến QL 1A và đường Hồ Chí Minh.

 

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đưa ra một số đề xuất.

 

Đó là, khi được Quốc hội chấp thuận sử dụng vốn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp QL 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, đề nghị thể hiện trong Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 và tiếp tục rà soát về quy mô, thiết kế, dự toán và giao Chính phủ phân bổ vốn cụ thể cho các dự án có trong Danh mục được Quốc hội quyết định.

 

Nếu qua rà soát các dự án cải tạo, nâng cấp QL 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và quá trình tổ chức thực hiện mà còn tiếp tục dư vốn TPCP so với tổng mức đã bố trí, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chủ động bố trí vốn xử lý các vấn đề phát sinh để bảo đảm hiệu quả cao nhất cho hai tuyến đường này, tránh tình trạng bố trí dở dang, thiếu vốn.