Dự án CHK quốc tế Long Thành: 3 năm giải phóng mặt bằng?

14:54, 08/10/2015

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ chính thức đề nghị tách ngay tiểu dự án bồi thường GPMB, cho tạm ứng vốn theo tiến độ GPMB để có thể đáp ứng kịp tiến độ triển khai dự án CHK quốc tế Long Thành.  

Cần 3 năm để hoàn thành GPMB

 

Báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ của UBND tỉnh Đồng Nai do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái ký nêu rõ: Theo tính toán về kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án CHK quốc tế Long Thành và xây dựng hạ tầng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, cần khoảng ba năm mới có thể hoàn thành công tác bồi thường, GPMB. Điều này có nghĩa là UBND tỉnh Đồng Nai không thể kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án vào năm 2018 (hoặc đầu năm 2019) nếu không thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngay từ bây giờ.

 

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, TCT Cảng hàng không VN (ACV) đang thuê đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) giai đoạn 1 của Dự án CHK quốc tế Long Thành, dự kiến sẽ hoàn thành trình Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp giữa năm 2017 và tiến hành khởi công xây dựng vào năm 2018 (hoặc đầu năm 2019), đưa giai đoạn 1 của dự án vào khai thác chậm nhất năm 2025.

 

Dự án CHK quốc tế Long Thành được triển khai trên quy mô diện tích 5 nghìn ha. Qua số liệu điều tra, dự án thu hồi đất của 4.730 hộ với gần 15 nghìn nhân khẩu, 26 tổ chức trong đó có 4.330 hộ bị giải tỏa trắng cần bố trí tái định cư. Diện tích đất thu hồi triển khai giai đoạn 1 của dự án là 2.750 ha của 1.894 hộ và 12 tổ chức. Tổng kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giai đoạn 1 là 11.266 tỷ đồng, trong đó tổng dự toán bồi thường, GPMB là 8.556 tỷ đồng, tổng kinh phí dự toán đầu tư xây dựng hạ tầng tái định cư là 2.710 tỷ đồng.

 

Để kịp tiến độ, UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến một lộ trình khá cụ thể cho công tác GPMB vốn được đánh giá là vô cùng khó khăn này. Hiện, Đồng Nai đã hoàn thành việc xây dựng đề án, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án. Tỉnh này sẽ cần ba tháng (từ tháng 10-12/2015) để thẩm định và phê duyệt đề án, khung chính sách; 6 tháng (từ tháng 1-6/2016) để công khai khung chính sách, thực hiện công tác kiểm kê tài sản, đất đai. Khoảng 6 tháng sau đó (từ tháng 7-12/2016) là thời gian xác định nguồn gốc đất, áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Tiếp đó, từ tháng 1-6/2017, sẽ thực hiện niêm yết công khai, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để có thể xét tái định cư, vận động người dân bàn giao mặt bằng trong 6 tháng tiếp theo (từ tháng 7-12/2017). UBND tỉnh Đồng Nai cũng dành 9 tháng (từ tháng 1-9/2018) để bố trí tái định cư, giải quyết đơn thư khiếu nại, dứt điểm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Vấn đề đặt ra là theo quy định tại Luật Đầu tư công, Dự án CHK quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư sau đó Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Trong khi đó, Luật Xây dựng quy định công tác thu hồi đất, GPMB, tái định cư là một phần của báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Theo Luật Đất đai, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cho phép tách tiểu dự án bồi thường, GPMB, tái định cư và bàn giao cho địa phương làm chủ đầu tư.

 

“Nếu địa phương tiến hành thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định là chờ sau khi báo cáo khả thi giai đoạn 1 của dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến sớm nhất vào giữa năm 2017), Đồng Nai sẽ không thể triển khai kịp công tác GPMB, tái định cư để bàn giao cho chủ đầu tư khởi công dự án theo dự kiến vào năm 2018”, Chủ tịch Đinh Quốc Thái khẳng định.

 

Xin cơ chế đặc thù

 

Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ “xem xét, thống nhất báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù với Dự án CHK quốc tế Long thành, chấp thuận cho tách ngay tiểu dự án bồi thường, GPMB, tái định cư và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư để triển khai ngay công tác bồi thường, GPMB, đảm bảo trong năm 2018 có thể khởi công dự án”.

 

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạm ứng vốn theo tiến độ để thực hiện công tác GPMB, xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư, sớm di dời dân để bàn giao mặt bằng, triển khai giai đoạn 1 của dự án (2.750 ha); Đồng thời cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, thiết kế, giám sát thi công đầu tư xây dựng hạ tầng trước một khu tái định cư tại Lộc An - Bình Sơn (282 ha) để kịp thời bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trắng thuộc dự án.

 

“Sau khi hoàn thành công tác bồi thường, GPMB, tỉnh Đồng Nai sẽ bàn giao cho chủ đầu tư triển khai giai đoạn 1 của dự án, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư với 2.250 ha còn lại”, văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.