Những ai sẽ bị cấm bay vĩnh viễn?

16:29, 19/10/2015

Nghị định 92/2015 bổ sung thêm nhiều hành vi đe dọa an toàn bay, phạt cấm bay có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 92 năm 2015 về an ninh hàng không. Theo đó, Nghị định đã bổ sung thêm nhiều hành vi của những đối tượng đe dọa đến an toàn bay sẽ bị cấm bay có thời hạn hoặc cấm bay vĩnh viễn.

 

Nhân viên an ninh trên không thuộc biên chế Bộ Công an

 

Đây là một trong những điểm đáng lưu ý nhất trong nghị định mới của Chính phủ về an ninh hàng không. Theo đó, nghị định quy định rõ trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định chuyến bay có khả năng xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp hoặc theo yêu cầu của quốc gia nơi tàu bay đến, phải bố trí lực lượng an ninh trên không trên chuyến bay đó.

 

Đặc biệt, “lực lượng an ninh trên không thuộc tổ chức, biên chế của Bộ Công an. Nhân viên an ninh trên không được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thích hợp; chịu sự chỉ huy chung của người chỉ huy tàu bay. Khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp trên chuyến bay, nhân viên an ninh trên không hành động theo quy tắc do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành”.

 

* Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong khoảng 10 năm gần đây, mối đe dọa lớn nhất với các hãng hàng không chính là từ các hành khách gây rối.

* Nghị định 92 năm 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 27/11 và thay thế Nghị định 81 năm 2010 và Nghị định 52 năm 2012 về an ninh hàng không dân dụng.

 

Trên thực tế, những quy định liên quan đến lực lượng an ninh trên không không phải mới mà là tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhằm bảo vệ các chuyến bay có nguy cơ bị tấn công, bị can thiệp bất hợp pháp.

 

Trao đổi với Báo Giao thông, Phó trưởng phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không VN) Tô Tử Hùng cho biết, trước đây, Nghị định 81 cũ về An ninh hàng không đã quy định lực lượng an ninh trên không song lại quy định lực lượng này do hãng hàng không tổ chức. Do những khó khăn liên quan đến việc tổ chức, huấn luyện, sử dụng vũ khí của nhân viên trên không đã dẫn đến việc chưa hãng hàng không nào của Việt Nam triển khai lực lượng này.

 

Cho biết từ năm 2010 đến nay, Việt Nam không có vụ việc nghiêm trọng uy hiếp an ninh hàng không, nhưng ông Hùng cũng nhấn mạnh, hàng không dân dụng thế giới lại chứng kiến nhiều vụ việc nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bất ổn về chính trị như vụ tấn công khủng bố Sân bay Karachi (Pakistan) ngày 8/6/2014 làm 18 người thiệt mạng, vụ một người phụ nữ mang bom lên tàu bay xuất phát từ Trung Quốc ngày 7/6/2014… Đặc biệt, liên tiếp các vụ việc tai nạn máy bay thảm khốc cả dân sự, quân sự xảy ra ở nhiều quốc gia (vụ MH370 mất tích tháng 3/2014, máy bay MH17 rơi tại miền Đông Ukraina; vụ máy bay rơi tại Đài Loan; vụ rơi máy bay của hãng hàng không Angeria và mới nhất là vụ máy bay rơi của hãng hàng không Germawings…).

 

“Dù mức độ đe dọa của các chuyến bay từ Việt Nam đi là rất thấp, song chúng ta lại bay đi nhiều điểm đến quốc tế có nguy cơ cao. Vì thế, việc tổ chức, triển khai lực lượng an ninh trên không đủ mạnh là vô cùng cần thiết”, ông Hùng nói.

 

Thêm nhiều đối tượng có thể bị cấm bay

 

Liên quan đến các quy định về cấm vận chuyển bằng đường hàng không tại nghị định mới, ông Hùng cho biết, Chính phủ đã đưa ra những chế tài mạnh, đủ sức răn đe, ngăn ngừa với các hành vi gây rối của hành khách.

 

Thực tế, theo nghị định mới của Chính phủ, hành khách gây rối, không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng; phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay; cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng; sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay; có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay sẽ bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không có thời hạn từ 3 -12 tháng.

 

Trường hợp đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những hành vi nêu trên thì bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không có thời hạn trên 12-24 tháng. Đặc biệt, cấm vận chuyển vĩnh viễn những đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong các trường hợp bị cấm vận chuyển trên 12 - 24 tháng. Người chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay cũng sẽ bị cấm bay suốt đời.

 

“Việc Chính phủ đưa những quy định khá cụ thể về các hành vi cấm vận chuyển vào nghị định - một loại hình văn bản pháp quy ở mức rất cao thể hiện quyết tâm ngăn ngừa các hành vi gây rối, các hành vi có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh hàng không”, ông Hùng phân tích và cho biết thêm: Hành khách gây rối không chỉ là vấn đề được quốc tế đánh giá là nghiêm trọng mà đây cũng chính là vấn đề của hàng không Việt Nam. Khi một hành khách gây rối, không chỉ hãng hàng không thiệt hại mà người đi máy bay cũng bị thiệt hại. Chuyến bay bị chậm, ảnh hưởng dây chuyền đến những chuyến bay khác, làm cả nghìn hành khách trên các chuyến bay kế tiếp này cũng bị ảnh hưởng theo.