Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) vừa được đưa vào khai thác sử dụng hơn 1 tháng. Tuy nhiên, tại một số vị trí trên tuyến, mái taluy dương có nguy cơ dễ bị sạt lở gây mất an toàn, nhất là khi có mưa lớn kéo dài như thời gian vừa qua. Hiện nay, đơn vị quản lý là Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện đi lại trên tuyến.
Ngày 30-6 vừa qua, tại Km92+650 trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới (thuộc địa phận xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương) đã xảy ra vụ sạt lở đất đá. Hơn 400m3 đất đá đã sạt trượt trùm kín lòng đường với chiều dài khoảng 35m khiến các phương tiện giao thông bị tắc nghẽn. Sự việc này đã khiến nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông lo lắng về mức độ an toàn khi lưu thông trên tuyến. Trước tình trạng trên, phía Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ mới đã kịp thời huy động nhân lực, vật lực xử lý toàn bộ khối lượng đất đá sạt trượt, giải phóng toàn bộ mặt đường ngay trong buổi chiều cùng ngày, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông trở lại.
Thông tin về nguyên nhân dẫn đến việc sạt lở đất ở trên, ông Lâm Hoàng Linh, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết: Tại khu vực sạt lở đất mới đây địa chất khá phức tạp. Trước đây, vị trí này là núi đá, trong quá trình thi công tuyến đường, nhà thầu đã phải đào núi, bạt ta luy để mở đường. Vì địa chất chưa ổn định, kết cấu đất còn lỏng lẻo, có các lớp đất xen kẹp nên khi mưa lớn kéo dài khiến nước nhão ra, lực trượt lớn nên gây sạt lở đất trùm kín lòng đường. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi đã chỉ đạo Công ty cổ phần 474 (đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện duy tu, sửa chữa tuyến đường) kịp thời khắc phục để các phương tiện lưu thông. Ngoài ra, ngay sau đó, Công ty đã phối hợp với đơn vị thiết kế là Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) đi kiểm tra, khoan dò địa chất tại khu vực này để xây dựng phương án giải quyết triệt để.
Ngoài vị trí ở trên, theo thống kê, trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới còn có thêm 5 vị trí (từ Km96-Km 105) có nguy cơ sạt lở nếu mưa lớn kéo dài. Ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần 474 cho biết: Tại những vị trí có nguy cơ sạt lở đều là khu vực đồi núi đá, địa chất phức tạp. Đơn vị quản lý đã thực hiện cắm các biển báo hiệu cấm đỗ, cấm dừng. Đối với các vị trí trên, nhà đầu tư đang đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất giải pháp kiên cố lâu dài để trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt. Trong số đó, các giải pháp để xử lý được lưu ý đó là làm lưới chống đá rơi nếu cần thiết hoặc cắt tầng giật cấp taluy để hạn chế thấp nhất trường hợp sạt trượt xảy ra. Trong quá trình chờ Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, chúng tôi đã xây dựng phương án xử lý trước mắt đó là: bố trí lực lượng trực 24/24h khi có mưa bão tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn để hướng dẫn các phương tiện đi lại; chuẩn bị sẵn sàng máy móc, nhân lực để khắc phục ngay nếu có sự cố xảy ra nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Không chỉ do ảnh hưởng của thời tiết, thông tin từ đại diện Công ty TNHH – Thái Nguyên - Chợ Mới, thời gian qua, dọc tuyến đường, (chủ yếu thuộc địa phận của huyện Phú Lương), người dân đã tự ý đào bới taluy dương, san lấp taluy âm cũng làm tăng nguy cơ sạt lở, ùn ứ rãnh thoát nước. Nhiều trường hợp đã bị đơn vị quản lý tuyến đường lập biên bản vì tự ý đào phá mái taluy dương trong phạm vi đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ như như gia đình ông: Lưu Văn Đạo, ở xóm Liên Hồng 1, xã Vô Tranh; Lăng Thanh Tuấn, xóm Quang Trung 1, xã Sơn Cẩm (Phú Lương)... Hay việc các phương tiện vận chuyển đất đá không che đậy khiến vật liệu rơi vãi ra đường đều là nguyên nhân gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Lâm Hoàng Linh, Phó Giám đốc Công ty cho biết thêm: Việc người dân tự ý đào hạ taluy dương của tuyến đường đã và đang diễn ra ở cả 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Đây không chỉ là hành vi phá hoại tài sản quốc gia, cố tình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, làm mất an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng. Về việc này, chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi chính quyền các địa phương để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông đường bộ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên tuyến. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng người dân tự ý đào đất làm phá hỏng mái taluy trên tuyến vẫn chưa dừng lại, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền các địa phương.
Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường Thái Nguyên -Chợ Mới, ngoài các động thái tích cực của nhà quản lý, người dân cũng cần nâng cao hơn nữa ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ; không tự ý xây dựng nhà cửa, hàng quán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.