Lần đầu sử dụng vệ tinh không gian dẫn đường bay

08:56, 15/09/2017

Ngày 14/9, TCT Quản lý bay VN (VATM) chính thức áp dụng phương thức bay mới sử dụng tiêu chuẩn dẫn đường RNP1 và RNP APCH dựa trên tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) tại sân bay quốc tế Cam Ranh.  

Tiêu chuẩn dẫn đường RNP 1 sẽ cho phép máy bay đạt được khả năng duy trì độ chính xác trong phạm vi 1 dặm hải lý (NM) về mỗi bên của trục đường bay trong tối thiểu 95% tổng thời gian bay (0,3NM - 1NM đối với tiêu chuẩn RNP APCH). Việc hệ thống dẫn đường sử dụng tín hiệu vệ tinh trên không gian sẽ đảm bảo tính chính xác, tính toàn vẹn, tính sẵn sàng và tính liên tục tốt hơn rất nhiều so với việc sử dụng sóng vô tuyến của các đài dẫn đường phụ trợ mặt đất. Một ưu điểm nữa của tiêu chuẩn dẫn đường RNP 1 và RNP APCH là việc yêu cầu máy bay phải được trang bị chức năng giám sát và cảnh báo (OPMA) giúp tổ lái có thể tự theo dõi được khả năng đáp ứng yêu cầu về độ chính xác dẫn đường khi thực hiện các phương thức bay mới, từ đó sẽ không yêu cầu cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu phải được trang bị hệ thống ra đa để giám sát hoạt động bay trong quá trình điều hành.

Về phương diện xây dựng phương thức bay, tiêu chuẩn dẫn đường RNP 1 và RNP APCH cho phép nhân viên thiết kế có thể lựa chọn các đường bay ngắn và tối ưu nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho KSVKL cũng như tổ lái trong việc phân cách giữa các máy bay đi và đến, giữa máy bay bay lại (tiếp cận không thành công) và máy bay đang thực hiện tiếp cận hạ cánh trong môi trường không có ra đa giám sát.

Sân bay quốc tế Cam Ranh hiện có 16 hãng hàng không đang khai thác các đường bay trong nước và quốc tế, trung bình một ngày có khoảng 100 chuyến bay đi và đến, cao điểm có ngày lên đến hơn 140 chuyến, sản lượng hành khách đạt hơn 4,8 triệu lượt vào năm 2016. Đây là sân bay đứng thứ 4 Việt Nam về lưu lượng hoạt động bay và số lượng hành khách thông qua, chỉ đứng sau sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng.

Từ khi đưa vào khai thác đến nay, sân bay quốc tế Cam Ranh được trang bị các đài phụ trợ dẫn đường mặt đất sử dụng sóng vô tuyến bao gồm các đài VOR, DME, NDB và hệ thống hướng dẫn hạ cánh chính xác bằng thiết bị ILS. Kiểm soát viên không lưu (KSVKL) tại Đài Kiểm soát không lưu (KSKL) Cam Ranh và tổ lái của các hãng hàng không sử dụng các phương thức bay kiểu truyền thống (hoạt động dựa trên những đài phụ trợ dẫn đường vô tuyến nêu trên) để điều hành, khai thác trong vùng trời sân bay quốc tế Cam Ranh. Do đặc điểm hạn chế về giám sát (không có ra đa) và khả năng lựa chọn đường bay trong việc xây dựng phương thức kiểu bay truyền thống dẫn đến yêu cầu về tiêu chuẩn phân cách cũng như cự ly giãn cách giữa các máy bay đi và đến sân bay quốc tế Cam Ranh là khá lớn. Chính vì vậy mà các phương thức bay kiểu truyền thống chỉ phù hợp với những nơi có mật độ bay thấp, khó có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng ngày một tăng và giải quyết tình hình hoạt động bay phức tạp (hỗn hợp dân dụng và quân sự) của sân bay quốc tế Cam Ranh.

Sân bay quốc tế Cam Ranh sẽ là sân bay đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương thức bay sử dụng tiêu chuẩn dẫn đường RNP 1 và RNP APCH. Việc khai thác các phương thức bay mới này dự kiến sẽ giúp nâng cao năng lực điều hành bay tại sân bay quốc tế Cam Ranh lên gấp đôi nhờ vào khả năng giảm thời gian giãn cách giữa các máy bay tiếp cận hạ cánh, tối ưu hóa tiêu chuẩn phân cách giữa các máy bay đi và đến, đồng thời nâng cao được mức độ an toàn bay lên đáng kể.