Nỗi đau còn ở lại

10:16, 08/11/2017

Sau gần nửa giờ tôi mới tìm được đến nhà bà Phạm Thị Liễu, tổ 12, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên). Bà yếu hơn tuổi 70 của mình rất nhiều. Chân chậm, mắt mờ, khuôn mặt ngây dại vì bệnh tật và nỗi đau mất con. Bà kể: Gần 5 năm trước, con trai tôi cùng con dâu bị chết do tai nạn giao thông. Chúng để lại cho tôi 2 đứa con nhỏ. 1 đứa 5 tuổi, 1 đứa 30 tháng tuổi. Từ bấy đến nay, 3 bà cháu lần hồi nuôi nhau, khó khổ trăm bề.

Ông Phạm Quang Huấn, Phó Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Bà Liễu chỉ là một trường hợp điển hình liên quan đến tai nạn giao thông của tỉnh và cả nước. Người chết đã yên phận, nhưng gánh nặng cuộc đời dồn lên vai người sống. Không chỉ gánh nặng về kinh tế, mà còn bị ám ảnh, day dứt tinh thần… Ông Huấn dừng lời, mở sổ ghi chép lấy cho tôi xem những dòng tên, địa chỉ liên quan đến hậu quả tai nạn giao thông.  

Xa xót! Tôi buột miệng thốt lên như vậy, rồi chạnh lòng nhớ đến những “cuộc chia ly” do tai nạn giao thông. 3 tháng trước, nhiều người không cầm được nước mắt khi chứng kiến một đám tang rặt vòng hoa trắng ở tổ 14, phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên). Người nằm trong cỗ áo quan là cô gái Nguyễn Diệu Linh, 21 tuổi. Linh bị tai nạn giao thông từ trước đó 3 hôm. Nước mắt đong đầy không làm vơi nỗi đau lòng của cha mẹ, người thân.

Trăm đường không tránh tại số. Bà Nguyễn Minh Hường, xóm 14, xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) bắt đầu câu chuyện đầy nước mắt. Bà tủi thân vì phút chốc cuộc đời bà trở thành người tàn tật. Hôm đó ngày 29-4-2017, bà Hường đèo bà Nguyễn Thị Yến, người cùng xóm có việc sang huyện Đồng Hỷ. Khi đi đến đoạn đường đầu cầu Gia Bảy, hai bà bị xe ô tô đi cùng chiều đâm từ phía sau lên rồi bị cuốn vào gầm xe tải. Bà Hường bị vỡ xương chậu, dập nát đùi phải; còn bà Yến bị dập nát bàn chân phải, xe máy bị hư hỏng nặng. Từ sau tai nạn, bà Hường nằm một chỗ, mọi sinh hoạt thường ngày đều do người thân giúp đỡ.

Thuốc men chạy chữa tốn kém, nhưng không mang lại cho bà Hường, bà Yến một sự lành lặn về thân thể. Cũng vì tai nạn giao thông, ông Phạm Thanh Toàn, xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng (Phú Lương) bị va chạm với xe ô tô. Cú va đập làm ông Toàn bị vỡ hộp sọ, tụ máu não. Sau nhiều tháng điều trị, ông Toàn qua cơn nguy kịch nhưng trở thành người tâm thần không ổn định, sức khỏe rất kém.

Cùng ở xã Cổ Lũng, ông  Nguyễn Duy Bình, xóm Đồi Chè. Hôm định mệnh ấy ông Bình đi xe máy đến nhà bạn chơi, do “một thoáng” lơ đễnh nên đã tông thẳng vào đầu xe ô tô. Vụ tai nạn làm ảnh hưởng trực tiếp tới chi vận động, ông phải nằm liệt một chỗ với những cơn đau nhức từ trong xương tủy.

Chuyện tai nạn giao thông, nhiều người dân xã Cổ Lũng thường nhắc đến gia đình bà Đỗ Thị Mai, xóm Cây Cài. Từ sau khi xảy ra tai nạn, bà Mai phải chung sống với cây nạng gỗ. Vì đi lại cà nhắc, và vì sợ ra đường gặp tai nạn nên bà ít khi ra khỏi nhà. Bà kể: Nhà tôi có hai người bị tai nạn giao thông. Tôi hỏng mất một chân, trong đầu luôn ám ảnh nỗi sợ hãi vô hình. Nhưng đau đớn hơn là con trai tôi, cháu Nguyễn Hải Sơn đã bị chết ngay trên đường vì tai nạn giao thông. Hôm đó là ngày 30 Tết năm 2011. Con chết, nỗi kinh hoàng về tai nạn giao thông còn ám ảnh, tôi đã rất cẩn thận, vậy mà chỉ đi bộ sang đường, tôi cũng không thoát khỏi tai nạn làm đau đớn thể xác.

Người trong cuộc được đưa vào bệnh viên cấp cứu. Trong số họ, nhiều người không nhớ nổi mình là ai. Có người sống thực vật nốt đoạn đời còn lại. Có người trở về nhà khi hồn đã lìa khỏi xác. Bà Dương Thị Lệ Tuyết, thị trấn Đu (Phú Lương) là một minh chứng. Bà Tuyết đi xe máy và bị va quệt với xe ô tô. Cú va đập phát ra tiếng nổ lớn và sau đó là tiếng kêu kinh hoàng của nạn nhân và người đi đường. Bà Tuyết tử nạn tại chỗ. Ông Đồng Tất Thắng, T.P Yên Bái (Yên Bái) người lái xe ô tô bị tai nạn với bà Tuyết phàn nàn: Tai nạn xảy ra ngày 19-10-2016, từ bấy đến nay chưa đêm nào tôi ngủ ngon, lúc nào trong đầu cũng bị ám ảnh vì đã làm cho một người mất đi quyền được sống.

Dù không ai muốn gây nên tai nạn, nhưng bất thình lình sự việc xảy ra, trong khoảnh khắc dài bằng cái tích tắc đồng hồ, không thể xử lý kịp, vậy là nên tội. Ông Nguyễn Văn Hưng, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) thở dài, nói: Tôi làm nghề lái xe tải, khi đến địa bàn phường Lương Sơn (T.P Thái Nguyên), vô tình để xe va chạm với xe máy của ông Đào Ngọc Vy, người Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ông Vy chết tại chỗ. Tôi rất khổ tâm, nhưng việc xảy ra, người chết rồi.

Ông Hưng òa khóc. Hầu hết những người có liên quan đến tai nạn gây chết người, hoặc làm cho “đối tác” nằm liệt giường, tinh thần ngơ ngác đều khóc. Không phải họ khóc cho người đen phận, mà khóc cho chính sự xấu số của bản thân. Và họ sẽ phải khóc hết phần đời còn lại vì lương tâm của một con người.

Tai nạn giao thông đã để lại cho gia đình, xã hội một gánh nặng. Khổ nhất là những người ruột thịt trong nhà. Mất mát cứ như một vô tình, nhanh như cái chớp mắt - RẦM… một tiếng là thôi rồi, nạn nhân nằm bất động. Nhớ ít hôm trước lên huyện Đại Từ công tác, đường vắng, người thưa, một thanh niên miệng huýt sáo, tay vít ga cho xe vượt nhanh. Nhưng chỉ ít phút sau, đến đoạn đường thuộc khu vực thị trấn Hùng Sơn, tôi thấy người thanh niên nằm sõng soài trên đường vì đâm phải một xe máy khác. Từ miệng, mũi, tai máu trào ra, song cái miệng chúm chím huýt sáo còn như đóng băng trên khuôn mặt. Mọi người xúm lại, tiếng rì rầm vừa chê trách, vừa cảm thông: Tay này phóng nhanh quá; Hắn vượt ẩu quá; Chết là đáng… Tôi cũng bảo: Vừa thấy anh ta phóng xe ở đoạn Hà Thượng, một loáng đã thấy nằm mê man ở đoạn Hùng Sơn. Thật kinh khủng, các bác cùng tôi đưa anh ta vào bệnh viện cấp cứu.

Thôi, trách làm gì, bởi trong cuộc đời có ai muốn mình bị tai nạn giao thông đâu. Ai cũng muốn mình ra đường, trở về nhà an toàn cùng người thân đấy chứ.