"Sáng - Tối" trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô con: Hệ lụy từ việc dạy - học thiếu chuẩn (Kỳ 2)

09:06, 14/11/2017

Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho thấy, những năm gần đây, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh giảm ở cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, trong đó có cả lực lượng cảnh sát giao thông thì tình hình TNGT vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Và trong số phương tiện gây tai nạn thì tỷ lệ lỗi do người điều khiển ô tô lại có xu hướng tăng đáng kể. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?

Những điều thuận lợi

Thực tế tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, như: Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người lái xe chưa nghiêm; cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng lớn, nhất là ô tô... Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu phân tích nguyên nhân có liên quan đến trình độ của người lái hiện nay do việc đào tạo thiếu chuẩn của nhiều cơ sở cũng như do ý thức của một tỷ lệ không nhỏ người học chỉ cốt làm sao lấy được giấy phép lái xe (GPLX) cùng với đó là sự thiếu nghiêm túc trong sát hạch cấp giấy phép.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thái Hà (T.P Thái Nguyên) thì chỉ có khoảng 70% người học là có nhu cầu học thực sự. Trong số này, những người học để trở thành lái xe thường nghiêm túc, chú tâm hơn so với người học chỉ để phục vụ việc đi lại thông thường. Còn theo ông Nguyễn Đắc Tường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến và Thương mại Đắc Tường, có Trung tâm Dạy nghề lái xe Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) thì việc giáo viên dạy người học cách học mẹo là có. Ông Tường thẳng thắn: Đã là làm dịch vụ thì bao giờ hiệu quả kinh tế cũng  được DN đặt lên hàng đầu. Cơ sở đào tạo chúng tôi thuộc diện “sinh sau đẻ muộn” nhất trong 8 cơ sở đào tạo lái xe hiện nay trên địa bàn, trong khi đó, điều kiện về cơ sở vật chất lại còn nhiều hạn. Vì thế, nếu không tạo mọi điều kiện và đáp ứng theo nhu cầu thì Trung tâm sẽ rất khó để thu hút người học.

Chính từ việc dạy - học mẹo, nên nhiều người đã không hiểu được bản chất của nhiều biển báo cũng như các nội dung quy định trong Luật. Bởi thế, khi lái xe trên thực tế, nhiều người không biết cách xử lý tình huống thế nào trên đường…

Là người có nhiều năm trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý các vi phạm và TNGT, Đại úy Trần Quốc Minh, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, Công an T.P Thái Nguyên cho biết: Để xác định nguyên nhân 1 vụ TNGT nào đó có liên quan đến trình độ của người lái xe hay không là rất khó, vì tất cả các vụ TNGT trên địa bàn thành phố từ trước đến nay đều là do lỗi vô ý. Có người lái xe nhiều năm, phản ứng nhanh, hiểu Luật rõ, nhưng ý thức chấp hành kém như cố tình vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng… thì cũng sẽ dễ gây tai nạn. Tuy nhiên, qua thực tế trong công việc, chúng tôi bắt gặp khá nhiều trường hợp dù có GPLX nhưng vẫn không phân biệt được một số biển báo, vạch chỉ dẫn hết sức đơn giản. Vì thế, khi bị xử lý, họ không hề biết mình mắc lỗi gì. Lại có những người khi được yêu cầu lùi xe hoặc đưa xe vào nơi quy định, không sao thực hiện được.

Người học nói gì?

Đúng như lời nhận xét của Đại úy Trần Quốc Minh, tôi có một chị bạn mặc dù đã có GPLX nhưng không thể tự lùi xe từ vỉa hè xuống đường. Chị tâm sự phải mất hàng tháng trời lúc mới tự lái xe đi làm, cứ đến đèn xanh, đèn đỏ mà phải dừng là y như rằng, xe của chị bị chết máy do không biết cách về số... Vì thế, rất nhiều lần chị bị “ăn chửi” của người dừng sau. Do không biết lùi xe nên chị ấy thường xuyên phải nhờ người khác lùi hộ. Có một lần, chị bị nhầm chân phanh với chân ga nên chiếc xe bất thình lình vọt từ bên này sang bên kia đường khiến những người chứng kiến được một phen khiếp vía; còn chị thì một lúc lâu sau mới lấy lại được bình tĩnh. Rất may, khi đó đoạn đường vắng, nếu không chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường. Với “trình độ” lái xe như thế, chúng tôi không khỏi thắc mắc rằng tại sao chị lại có thể thi đỗ, chị cười bảo: Hôm thi sát hạch, trong phần thi sa hình, thầy giáo phải đứng từ xa hướng dẫn. Do sợ bị chết máy nên trong quá trình thi, chị đạp cả chân phanh và chân ga. Đến khi thi xong thì mùi xe khét lẹt. Chị bảo may mà vẫn đủ điểm đỗ.

Còn theo chị Nguyễn Thị H, phường Hương Sơn. (T.P Thái Nguyên) thì mặc dù đã cầm được giấy phép lái xe ô tô hơn 2 năm nay, nhưng đến bây giờ nghĩ lại quãng thời gian tập lái, chị vẫn cảm thấy rùng mình. Chị chia sẻ: Ngày đó, 4 chị em trong gia đình tôi nhờ 1 thầy ở Trường T đến dạy tại nhà. Do chủ quan không tìm hiểu, cũng không được thầy thông tin nên chúng tôi không được biết quyền lợi, nghĩa vụ của người học như thế nào và loại xe nào thì mới được tập lái… Chính vì thế, thầy giáo dạy sao, chúng tôi học vậy. Sau 4 buổi học lý thuyết; 1 buổi học số nguội (mỗi buổi từ 2-3 giờ), chúng tôi được thầy cho học lái tại một khu đất trống. Tập được 4-5 buổi, thầy cho chạy ra ngoài đường. Điều đáng nói hơn là trong suốt quá trình dạy lái, thầy đều dùng chiếc Spark đời 2012 để dạy chúng tôi và không hề có phanh phụ. Hôm đầu tiên dạy ngoài đường, có lúc thầy còn vô tư ngủ. Sau đó, thầy đưa cả 4 anh chị em chúng tôi lên sân của Trường tập vẫn là trên chiếc xe 2 chỗ ấy. Chỗ nào thấy có công an, thầy bắt 3 người ngồi sau cúi dạp người xuống. Đến giờ, chúng tôi vẫn thấy khó hiểu là tại sao khi đó, thầy dạy chúng tôi bằng xe của thầy, ngay tại Trường nhiều lần, mà không hề bị ai nhắc nhở. Sau đó, chúng tôi đã phản ánh với lãnh đạo Nhà trường nên được bố trí 1 thầy khác dạy tăng cường bằng chiếc xe tập lái theo quy định.

Đưa ra câu chuyện này, tác giả bài viết cũng như chị H đều không nhằm mục đích nói xấu thầy dạy lái hay làm ảnh hưởng gì đến nhà trường, mà chỉ muốn giúp những ai có ý định học lái xe sẽ rút ra được kinh nghiệm nào đó để quyền lợi của mình được đảm bảo. Theo yêu cầu, chúng tôi không đưa tên thầy, tên trường, bởi chị H bảo, người Việt Nam vốn trọng thầy, dù thế nào thì họ cũng đã từng dạy mình.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tất cả các cơ sở đào tạo và các thầy dạy lái đều không quan tâm, chú ý đến chất lượng đào tạo, mà ngược lại, có những cơ sở đã thực hiện khá tốt nội dung này. Chị Nguyễn Thu Nga, phường Trưng Vương; chị Nguyễn Thị Thu Hằng, phường Gia Sàng, anh Nguyễn Hoàng, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên)… và rất nhiều người khác khi được hỏi về chất lượng dạy - học lái ô tô như thế nào thì đều có chung nhận xét tích cực, bởi giữa họ có chung một môi trường đào tạo đó là Trường Cao đẳng nghề số 1, Bộ Quốc phòng, phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên.

Theo các anh, chị này, trong quá trình học, tuy rất ít người đảm bảo được thời gian theo quy định, nhưng mỗi người cũng chỉ được nghỉ một số buổi nhất định, bù lại phải tự ôn ở nhà, sau đó thầy sẽ kiểm tra (đối với phần lý thuyết). Còn ở phần thực hành thì sẽ được thầy bố trí học riêng hoặc học ghép cùng nhóm khác để đảm bảo đủ số giờ theo quy định. Chị Hằng chia sẻ: Khi có ý định học lái xe, tôi đã tham khảo ý kiến của một số người quen. Họ bảo, nếu muốn học thực chất, thì nên học ở Trường của Bộ Quốc phòng, nhưng sẽ bị áp lực về thời gian; còn nếu để học nhàn, cốt lấy GPLX, thì nên đăng ký ở một số trường khác. Sau nhiều ngày cân nhắc, ý thức được tầm quan trọng của việc học thật nên tôi đã quyết định học tại đây. Quả thật, ngay sau khi được cầm GPLX, tôi đã rất tự tin lái xe riêng của gia đình.