Kỳ 2: Hệ lụy từ sự phát triển “nóng”

12:43, 15/11/2018

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, số vụ TNGT có tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng; ùn tắc giao thông trong khu vực nội thị và các khu công nghiệp... đang trở thành những vấn đề báo động trên địa bàn tỉnh.

Các vụ tai nạn giao thông ngày càng thảm khốc

Mặc dù có số vụ TNGT, số người chết và bị thương đã giảm so với các năm trước nhưng số vụ TNGT có tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh lại có chiều hướng gia tăng khiến ATGT đường bộ trở thành vấn đề báo động. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, năm 2016 toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (vụ TNGT ngày 19/11/2016 trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn nút giao Yên Bình, làm chết 4 người, bị thương 5 người); năm 2017 xảy ra 4 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (Vụ ngày 26/02/2017, tại Km 65 + 400, Quốc lộ 3 giữa xe ô tô conternơ và xe của Công ty Samsung làm 5 công nhân bị thương; vụ TNGT xảy ra vào ngày 17/4/2017, tại Km 76+100, Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Bắc Kạn, làm chết 1 người lớn và 3 cháu nhỏ bị thương nặng; vụ TNGT xảy ra vào ngày 23/12/2017, tại thị xã Phổ Yên làm chết 4 người; vụ TNGT xảy ra vào ngày 4/3/2017 trên tuyến QL.3 tại Km100, làm 2 người chết, 5 người bị thương nặng).

Cũng trong 10 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh cũng xảy ra 5 vụ TNGT có tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Điển hình là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra lúc 23 giờ 30 ngày 24-10 tại thị xã Phổ Yên. Theo đó, xe máy chở bốn người đã va chạm với xe máy chở ba người lưu thông ngược chiều. Vụ tai nạn khiến ba người tử vong, bốn người bị thương nặng, các nạn nhân trong vụ tai nạn đều không đội mũ bảo hiểm và tuổi còn rất trẻ (16-21 tuổi)...

Thật khó có thể đong đếm được những thiệt hại về người và tài sản trong các vụ TNGT như trên. Tài sản bị hủy hoại có thể làm lại được, nhưng con người khi đã mất đi thì không gì có thể thay thế được. Những thảm cảnh đau thương do TNGT gây ra cho biết bao gia đình: vợ mất chồng, con phải lìa cha, cha mẹ già mất con không nơi nương tựa. Đau lòng hơn khi có những vụ TNGT nghiêm trọng cướp đi mạng sống của nhiều thành viên trong một gia đình.

Việc phân tích hay đánh giá nguyên nhân bao trùm về vấn đề TNGT ở nước ta, thường thấy gói gọn trong hai yếu tố chính là cơ sở hạ tầng và ý thức người tham gia giao thông. Cơ sở hạ tầng có thể là tác nhân dẫn tới tai nạn, song ý thức của con người mới là nhân tố quyết định gây ra tuyệt đại đa số các vụ tai nạn giao thông. Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, có một thực tế khá mâu thuẫn đang diễn ra, đường càng đẹp, tốc độ xe đi càng nhanh thì lại tỷ lệ thuận với nguy cơ xảy ra TNGT nghiêm trọng.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: “Rõ ràng, lỗi không hề thuộc về đường sá, cũng không phải tốc độ khi tất cả những tuyến đường đều đã được quy định cụ thể vận tốc phương tiện lưu thông. Nguyên nhân của gần như 100% số vụ TNGT này đều xuất phát từ ý thức chủ quan và sự yếu kém của lái xe”. Với xe ô tô được xem là nguồn nguy hiểm cao nhất, trong khi ý thức của lái xe không cao thì TNGT xảy ra là điều khó tránh khỏi. Ngoài lái xe, còn có những người tham gia giao thông khác trên đường với ý thức kém như bày bán hàng ở lòng đường, đứng chờ xe... 

Ùn tắc giao thông - hiện hữu từng ngày

Năm 2016, trên một số trục đường chính của T.P Thái Nguyên bắt đầu xuất hiện hiện tượng ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm. Sang năm 2017 và 2018, hiện tượng này trở nên phổ biến hơn, mở rộng đến khu vực cổng các trường học, các trục đường phụ trong nội thị và các khu, cụm công nghiệp. Càng ngày mật độ ắch tắc càng dầy hơn, thời gian ùn ứ kéo dài hơn, tạo bất lợi cho người, phương tiện tham gia giao thông và ảnh hưởng đến trật tự ATGT.

Chị Trịnh Ngọc Hương, hộ dân đang sinh sống tại Khu đô thị Picenza chia sẻ: Hầu như ngày nào tôi cũng chứng kiến tình trạng ùn ứ giao thông ở khu vực nút giao cầu Gia Bảy, nhất là vào khung giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ 30’ đến 7 giờ 30’, chiều từ 17 giờ 30 đến 19 giờ).

Không chỉ tại khu vực cầu Gia Bảy, mà nhiều tuyến phố, trường học đã xuất hiện cảnh ùn tắc tương tự. Cụ thể, ách tắc đã xuất hiện nhiều hơn trên trục đường Cách mạng Tháng Tám, đoạn khu vực phường Phan Đình Phùng và phường Gia Sàng; trên trục đường Hoàng Văn Thụ đoạn nối với đường Quang Trung qua nút giao đường sắt Đồng Quang; trên trục đường Dương Tự Minh khu vực phường Quang Vinh; cổng Trường Mầm non 19-5, Trường THCS 915, Trường THCS Nha Trang, Đội Cấn, Nguyễn Viết Xuân…Tại các khu vực có khu, cụm công nghiệp, tình trạng ùn tắc giao thông cũng liên tục xảy ra.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tắc đường, trong đó nguyên do đầu tiên chính là sự phát triển không cân xứng giữa phương tiện, mật độ giao thông và hạ tầng giao thông. Những năm gần đây, số lượng các phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, số lượng xe ô tô các loại toàn tỉnh đã tăng từ trên 22 nghìn chiếc năm 2011 lên trên 58 nghìn chiếc vào tháng 10-2018. Số lượng mô tô, xe máy cũng tăng từ khoảng 433 nghìn chiếc lên gần 700 nghìn chiếc. Trong khi đó việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, tuy đã được nâng cấp, cải tạo nhưng thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng và khả năng lưu thông các phương tiện.

(còn nữa)