Nhiều bất cập trong dịch vụ đưa đón học sinh

14:08, 10/11/2018

Một vài năm trở lại đây, dịch vụ đưa đón học sinh đến trường ngày càng phổ biến ở Thái Nguyên. Không phủ nhận đây là một tiện ích tốt, giúp giảm chi phí so với việc cho con em ở trọ hoặc sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động loại hình này cũng phát sinh không ít bất cập cần chấn chỉnh để đảm bảo an toàn giao thông.

Xe cũ, chở qúa số người theo quy định

Giờ tan học buổi sáng, trước cổng Trường THPT Phú Lương (trên Quốc lộ 3) đã có 7 ô tô chờ sẵn để đón học sinh. Chủ yếu là loại xe khách 29 chỗ ngồi. Các tài xế liên tục hối thúc các em nhanh chóng lên xe. Bằng mắt thường có thể thấy các phương tiện này đã cũ, lượng người đông nên nhiều em phải đứng trên xe. Cô giáo Mai Thùy Linh, Bí thư Đoàn Trường THPT Phú Lương cho biết: Theo rà soát, có tới phân nửa học sinh của Trường sử dụng dịch vụ này, chủ yếu ở xã xa như: Phú Đô, Vô Tranh, Tức Tranh, Ôn Lương, Hợp Thành… Tình trạng chở quá số người quy định khá phổ biến. Từng có lần xe hỏng ngang đường, các em phải đi bộ hoặc đi nhờ xa khác đến trường nên muộn học.

Tại Trường Tiểu học Việt Ấn, xã Na Mao (Đại Từ) cũng có 2 ô tô đưa đón trẻ. Loại xe 16 chỗ đã được hoán cải, thay đổi thiết kế ghế ngồi so với ban đầu nên có thể chở từ 25-30 cháu. Theo lãnh đạo UBND xã Na Mao, dịch vụ này giúp các gia đình yên tâm con mình đi về đúng giờ, không lo khi trời mưa rét. Tuy nhiên, đáng ngại là việc chở quá tải, không có điểm đón cố định, việc lên xuống xe của các cháu chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đã có trường hợp người dân tránh xe đưa đón trẻ mà lao xuống ruộng dẫn đến thương tích. Anh Mã Văn Biên, ở xóm Đồng Cẩm, xã Yên Lãng - một trong hai chủ xe thừa nhận: Bản thân các cháu còn nhỏ nên ý thức chưa tốt, khó quản lý trong quá trình di chuyển.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng xe đưa đón học sinh chở quá quy định tương đối phổ biến. Trung tá La Chấn Đẩu, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và Trật tự xã hội, Công an huyện Định Hóa, cho biết: Riêng tháng 9 vừa rồi, chúng tôi đã xử phạt 5 trường hợp xe đưa đón học sinh. Ngoài lý do xe quá đông thì còn các lỗi khác như không mang giấy phép lái xe, hết hạn nhưng chưa đăng kiểm lại... Chưa kể, lực lượng chức năng mỏng, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chủ xe chưa chặt chẽ là nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh các tiêu cực.

Còn buông lỏng quản lý

Ông Nguyễn Trung Tốn, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đô (Phú Lương) cho biết: Nằm cách xa trung tâm huyện nên ở xã có khá nhiều cháu bậc THPT đăng ký dịch vụ đưa đón tới trường. Tuy nhiên, số lượng cụ thể bao nhiêu, hợp đồng thế nào, trách nhiệm các bên ra sao thì lãnh đạo địa phương không rõ. Đã có một số phụ huynh trao đổi riêng với tôi nói chất lượng xe không đảm bảo, chở quá đông nhưng chưa ai đề cập tại các buổi giao ban, hội nghị.

Về phía nhà trường, cô giáo Dương Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lương, cho biết: Đưa đón học sinh là thỏa thuận giữa nhà xe với phụ huynh học sinh. Nhà trường chỉ tuyên truyền, nhắc nhở các em tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông chứ không trực tiếp ký hợp đồng, cũng không có thẩm quyền yêu cầu chủ xe cung cấp thông tin về điều kiện an toàn khi làm dịch vụ. Với loại hình ô tô chở nhiều người, các quy định mà pháp luật yêu cầu, nhà trường không thể hiểu và nắm rõ được. Cô giáo Duyên nói: Trường THPT Phú Lương chưa có lần nào làm việc với đại diện nhà xe, nên việc phối hợp hay can thiệp là không có.

Hiện nay, phần lớn xe đưa đón học sinh ở các huyện do phụ huynh "hợp đồng miệng" với tài xế, nên dẫn tới buông lỏng quản lý.

Đề cập điều này, đại diện Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đại Từ cũng ý kiến: Một vài năm trở lại đây, dịch vụ đưa đón học sinh phát triển khá mạnh, với trên 100 đầu xe ở tất cả 30 xã, thị trấn trên địa bàn. Các trường mới chủ yếu tuyên truyền, vận động giáo viên, phụ huynh quan tâm các yếu tố đảm bảo an toàn, chứ chưa có một biện pháp cụ thể, mang tính ràng buộc. Trường hợp xe vi phạm bị xử lý hay không là nhiệm vụ của lực lượng thanh tra và công an giao thông.

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 600 xe ô tô được cấp phù hiệu để chạy hợp đồng. Tuy nhiên lại không có số liệu cụ thể về xe đưa đón học sinh.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý phương tiện và vận tải (Sở Giao thông - Vận tải) đánh giá: Đưa đón học sinh là một xu hướng và tiện ích tốt khi các bên tuân thủ đúng quy định. Tuy nhiên, nếu quản lý không chặt chẽ thì chính nó cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chủ phương tiện. Phía nhà trường không chỉ đơn thuần quản lý học sinh trên lớp mà cần có trách nhiệm cả trong quá trình các cháu đến trường. Trường học phối hợp với đại diện phụ huynh học sinh lựa chọn đơn vị vận tải đủ điều kiện về phương tiện (chất lượng xe, có phù hiệu, giấy tờ đầy đủ); người lái; chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt là cam kết không chở quá số lượng quy định. Bản thân học sinh cũng phải có văn hóa giao thông; tự trang bị kỹ năng cơ bản để xử lý tình huống, thoát hiểm khi có sự cố trên xe. Chúng tôi đề nghị lực lượng chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm, gửi biên bản về Sở Giao thông - Vận tải, nhà trường và đại diện phụ huynh để tuyên truyền, cảnh báo chủ phương tiện nào vi phạm.   

Cô giáo Mai Thùy Linh, Bí thư Đoàn Trường THPT Phú Lương: Đối với Trường THPT Phú Lương, dịch vụ đưa đón là rất cần thiết nhất là với học sinh ở xa. Tôi đề nghị các nhà xe quan tâm chất lượng xe, chở không quá số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ để đảm bảo an toàn cho các em.

 

 

 

 

 

Luật sư Phạm Thị Hồng Vân, Công ty luật TNHH Sun Legal, Đoàn luật sư T.P Hà Nội (có văn phòng tại T.X Phổ Yên): Đưa đón học sinh tới trường là loại hình dịch vụ vận tải đặc thù. Theo tôi, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát và ban hành các quy định chi tiết, điều chỉnh hoạt động này như: Tiêu chuẩn xe, lái xe, cơ chế đưa đón, quyền, nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh dịch vụ.