Xử lý xe quá tải: Nhiều vấn đề đặt ra

09:43, 14/11/2018

Mặc dù so với thời điểm 2014 - năm cao điểm về xử lý xe quá tải thì hiện tình trạng xe chở quá tải trọng cho phép trên địa bàn tỉnh đã phần nào giảm nhiệt, song ở một số địa bàn, thực trạng này vẫn đang khiến nhiều người dân bức xúc. Cùng với đó là tình trạng xử lý còn “bên nặng, bên nhẹ” đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế này đặt ra yêu cầu về sự cần thiết phải có những thay đổi trong quản lý và xử lý của ngành chức năng.

Kỳ I: Cần lắm sự công bằng

Toàn tỉnh hiện có 3 chốt, trạm kiểm tra trọng tải xe khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ nên đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng xe quá tải, xe chở hàng hóa cồng kềnh trên những cung đường này. Nhưng có một thực trạng đã và đang tồn tại đó là có chốt, chỉ cách đó vài ba ki-lô-mét, thì tình trạng xe vi phạm quá tải vẫn diễn ra khá ngang nhiên, hoặc lại có những địa bàn, lượng xe quá tải rất lớn nhưng việc kiểm tra, kiểm soát lại thiếu sự thường xuyên, chặt chẽ…

Tiếng nói từ cơ quan chức năng

Theo Đại tá Hoàng Văn Ninh, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), trong số 3 chốt, trạm kiểm tra trọng tải trên địa bàn tỉnh hiện nay, có một trạm do Thanh tra Giao thông đảm nhận, tại điểm cuối Quốc lộ 37 đi qua địa bàn tỉnh, tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ; hai trạm còn lại của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, một tại Km7, Quốc lộ 1B (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ), một trên tuyến Quốc lộ 17, đoạn qua xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên. Các chốt kiểm tra này đều hoạt động 24/24 giờ. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh còn phối hợp với các lực lượng khác trong ngành thường xuyên duy trì từ 8-10 tổ tuần tra lưu động hằng ngày trên các tuyến Quốc lộ để thực hiện việc kiểm soát và xử lý đối với các trường hợp vi phạm, trong đó có xử lý xe quá tải... Đối với công an các huyện, thành, thị, theo phân cấp quản lý và chức năng, nhiệm vụ cũng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường tỉnh, huyện. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng nên tình trạng xe quá tải được đánh giá là đã giảm được 7-8 phần so với năm 2014.

Cũng theo đại tá Hoàng Văn Ninh, tình trạng xe quá tải hiện không còn diễn ra một cách công nhiên như những năm trước. Tuy nhiên, tình trạng nhiều chủ xe hoặc lái xe tự ý thay đổi kích thước thùng, thành xe hoặc lắp thùng xe không đúng với nhà sản xuất, nhằm mục đích chở quá tải vẫn còn. Điều này phần nào được minh chứng qua con số năm 2017, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã lập biên bản xử lý và yêu cầu trả lại nguyên trạng ban đầu đối với 278 chủ xe do tự ý thay đổi kích thước thành thùng  xe; còn 11 tháng năm 2018, số trường hợp bị xử lý là 356. Ngoài ra, cũng trong 2 năm qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã tiến hành xử lý 900 trường hợp/năm (con số này năm 2014 là hơn 2,3 nghìn trường hợp). Tính đến đầu tháng 11-2018, tổng số xe tải đang được quản lý trên địa bàn tỉnh là gần 23,4 nghìn chiếc. So với nhiều tỉnh trong khu vực, Thái Nguyên là địa phương có nhiều xe tải. Điều này phần nào cho thấy nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn là rất lớn, nhưng thực tế này cũng đã và đang khiến việc quản lý xe quá tải của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Vi phạm ngày càng tinh vi

Trước sự phản ánh của đại diện lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp và người dân, chúng tôi đã có nhiều buổi tìm hiểu thực tế trên các tuyến quốc lộ vào những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua. Một điều không khó để nhận thấy đó là tình trạng xe chở hàng quá tải, thay đổi kích cỡ thành, thùng vẫn diễn ra, thậm chí là không hề nhỏ ở những địa bàn không có chốt kiểm soát tải trọng cố định, chỉ có điều là cách thức thực hiện quá tải giờ không lộ liễu, cồng kềnh như trước, mà thay vào đó là sự “tế nhị”, tinh vi hơn trong việc thay đổi kích cỡ thành thùng xe. Đúng như kỹ sư Đàm Ngọc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thái Nguyên: Nếu không có sự tìm hiểu nhất định, người dân sẽ rất khó có thể nhận biết. Và trên thực tế, đối với một số loại vật liệu như quặng sắt, gang, cát, xi-măng, do trọng lượng hàng hóa rất nặng (khoảng 1,5-2 tấn/m3) nên chỉ cần chở bằng thành thùng, thì lượng quá tải đã có thể gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí là gấp 3 lần tải trọng cho phép. Còn đối với những xe thay đổi kích thước thành thùng, lượng quá tải chắc chắn sẽ lớn hơn.

Quả nhiên, khi tiến hành tra cứu, đối chiếu trên trang web của Đăng kiểm Việt Nam về một số xe mà chúng tôi ghi, chụp lại được trên Quốc lộ 3 cũ, thì chúng tôi mới có thể nhận biết những chiếc thùng xe đó đã được “cơi nới” như thế nào so với thiết kế của nhà sản xuất. Đơn cử như chiếc ô tô tải loại 4 trục bánh có biển kiểm soát 20C-147.19, tên đăng ký chủ xe là Công ty TNHH Phương Quý, xóm Công Thương, xã Thuận Thành, T.X Phổ Yên, theo thiết kế và được đăng kiểm tại cơ quan chức năng ngày 9-4-2018, chiều cao của thùng xe chỉ là 500mm (tức 0,5m), nhưng trên thực tế, thùng xe được di chuyển trên đường ngày 6-11 thì cao hơn nhiều…

Bất cập trong xử lý

Không thể phủ nhận việc kiểm soát xe quá tải trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, nhưng xét về một số khía cạnh cụ thể thì hiệu quả từ việc kiểm soát này đang có nhiều vấn đề cần bàn, mà trước hết là tại các chốt, trạm kiểm tra cố định.

Đầu tiên là đối với Trạm kiểm tra trọng tải của lực lượng Thanh tra Giao thông tại xã Yên Lãng (Đại Từ). Theo quy định, lực lượng này không có chức năng đuổi theo xe vi phạm nên khi ra hiệu lệnh dừng xe mà lái xe không chấp hành thì cán bộ làm nhiệm vụ tại Trạm chỉ có thể ghi lại biển số xe, sau đó báo cáo về Tổng cục Đường bộ. Chứng kiến việc xử lý vi phạm tại chốt này vào một số ngày trong thời gian qua, chúng tôi được chứng kiến sự “bất lực” của lực lượng thanh tra giao thông nơi đây, khi nhiều xe được yêu cầu dừng để kiểm tra đã không chấp hành, mà cứ thế đi thẳng. Theo ông Trần Hoàng Anh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải thì rất khó để đưa ra mức xử phạt đối với các lái xe này vì không có đủ bằng chứng để chứng minh xe đó quá tải mặc dù có hình ảnh của camera ghi lại. Bởi vậy, hiệu lực trong xử lý vi phạm của Trạm bị hạn chế. Trong khi đó, lực lượng cán bộ dành cho trạm kiểm tra này lên tới 15 người/ngày (mỗi ca trực gồm 5 người, mỗi ngày chia 3 ca). Vì thế, ông Trần Hoàng Anh đề xuất, cần duy trì sự phối hợp liên ngành giữa Công an và Giao thông - Vận tải như trước đây để tăng thẩm quyền xử lý tại Trạm.

Còn với chốt kiểm tra cố định, vì cán bộ phải thường trực tại đây để thực thi nhiệm vụ nên chỉ cách đó vài ki-lô-mét tình trạng xe quá tải hay xe chở đá cồng kềnh vẫn diễn ra công khai mà không vấp phải bất kỳ sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Hay như việc không có bãi và phương tiện hạ tải, cũng đang khiến việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn và chưa đúng với quy định. Đại tá Hoàng Văn Ninh thẳng thắn nhìn nhận: Đó là thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa tình trạng này, Phòng Cảnh sát Giao thông thường xuyên phối hợp với các lực lượng khác trong ngành thành lập từ  8-10 tổ kiểm tra lưu động để tiến hành tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường nhưng do trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ và còn nhiều nội dung khác cần thực hiện nên việc kiểm tra, kiểm soát không thể thường xuyên, liên tục.

Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, việc bố trí đặt chốt, trạm kiểm tra cố định cũng đang bộc lộ một số bất cập. Có thể nói, nếu tính lưu lượng xe có tải trọng lớn thường xuyên qua lại thì khu vực đầu cầu Đa Phúc (T.X Phổ Yên) - nơi có Cảng Đa Phúc với rất nhiều loại hàng hóa, vật liệu xây dựng như quặng, than, xi-măng, cát sỏi, clanke… được chuyển đến, chuyển đi hàng ngày với số lượng rất lớn nhưng lại không có chốt, trạm kiểm tra tải trọng cố định. Chính điều này đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng có sự bất công bằng trong quản lý và xử lý quá tải, làm ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nằm trên địa bàn có chốt, trạm kiểm tra cố định…

Điều 24 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 800.000-1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi chở hàng vượt trọng tải trên 10-30% và trên 20-30% đối với xe téc chở chất lỏng; phạt từ 3-5 triệu đồng và bị tước Giấy phép lái xe (GPLX) từ 1-3 tháng nếu chở quá tải trên 30-50%; phạt từ 5-7 triệu đồng và tước GPLX từ 1-3 tháng với trường hợp chở quá tải từ 50-100%; quá tải từ 100-150% thì bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng và tước GPLX từ 2- 4 tháng; quá tải trên 150% thì bị phạt từ 8-12 triệu đồng và tước GPLX 3-5 tháng. Ngoài ra, tùy theo mức độ quá tải, chủ xe bị phạt với mức thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 20 triệu đồng đối với chủ xe là cá nhân; nếu là tổ chức thì mức phạt cao gấp đôi.