Năm qua, với nhiều nỗ lực, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (gọi tắt là BQL các dự án giao thông) đã thực hiện tốt vai trò, chức năng là cơ quan tham mưu UBND tỉnh trong đầu tư xây dựng cũng như quản lý điều hành các dự án, công trình giao thông trên địa bàn. Từ đó, góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Năm 2018, BQL các dự án giao thông được giao trực tiếp làm chủ đầu tư dự án giao thông trọng điểm của tỉnh với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án khởi công mới, gồm: Dự án Đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng đại lộ Đông - Tây khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu); Dự án cải tạo nâng cấp ĐT261 và cầu Dẽo; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Hóa Thượng - Hòa Bình (nâng cấp thành đường ĐT273). 5 Dự án chuyển tiếp gồm: Dự án nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà (Đại Từ); Dự án đường nối Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên với Khu công nghiệp Yên Bình và ĐT 261 (giai đoạn 1); Tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới (Bắc Kạn) - Định Hóa (Thái Nguyên); Dự án xây lắp công trình tạo cảnh quan đất xen kẹp giữa đường gom và Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Tiểu dự án xây dựng 9 cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP. Ngoài ra, BQL còn thực hiện nhiệm vụ quản lý các dự án do Sở Giao thông - Vận tải ủy thác; tư vấn lựa chọn nhà thầu xây lắp cho các xã: Hà Thượng, Tân Linh (Đại Từ); Cúc Đường (Võ Nhai); thực hiện công tác tư vấn quản lý dự án, giám sát thi công cho các chủ đầu tư khác với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng…
Mặc dù khối lượng công việc lớn, song ngay từ đầu năm, lãnh đạo Ban đã quan tâm, chỉ đạo sát sao các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án. Kết thúc năm 2018, BQL đã hoàn thành 2 dự án về xây lắp công trình tạo cảnh quan và xây mới 9 cầu dân sinh. Trong năm, BQL đã kịp thời thanh, quyết toán các dự án hoàn thành và giải ngân 588 tỷ đồng theo kế hoạch vốn được giao, đạt 100% kế hoạch năm. Các Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, tạo sự liên kết huyết mạch và trực tiếp từ các vùng đến trung tâm tỉnh, đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương của người dân. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Đối với các dự án khởi công mới và thực hiện chuyển tiếp, để triển khai theo đúng kế hoạch, BQL các Dự án giao thông đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Trong năm, Ban đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao trên 40ha cho đơn vị thi công thực hiện Tiểu dự án bố trí tái định cư Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Mới - Chợ Chu; chi trả bồi thường và bàn giao 38/40ha thực hiện Dự án Đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng đại lộ Đông - Tây khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu). Cùng với đó, Ban đã phối hợp với các địa phương vận động hàng trăm hộ dân hiến đất và tài sản trên đất phục vụ các dự án: Cải tạo, nâng cấp đường Hóa Thượng - Hòa Bình; cải tạo, nâng cấp đường ĐT261 và cầu Dẽo... với tổng giá trị gần 40 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc BQL các dự án giao thông tỉnh cho biết: Để các dự án được thực hiện đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao công tác quản lý chất lượng công trình và các công đoạn của dự án như: Chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu… Việc quản lý chất lượng trong quá trình thi công luôn được nghiên cứu thực hiện theo đúng quy định, chuyển biến theo hướng chuyên môn hóa và chú trọng bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Bước sang năm 2019, cùng với việc tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, BQL các dự án giao thông tỉnh còn tiếp tục được giao triển khai một số dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Trong đó có Dự án đầu tư đường ĐT261 đoạn Đại Từ - Phổ Yên với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Ban sẽ tập trung đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tăng cường cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng; đồng thời, chú trọng công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành… để bảo đảm chất lượng công trình, góp phần phát huy hiệu quả kinh tế, đáp ứng được mục tiêu đầu tư của tỉnh.