Cần sớm đầu tư đường vào Khu di tích Mái Đá Ngườm

15:41, 20/07/2019

Dù chỉ dài khoảng 1,5km nhưng tuyến đường từ UBND xã Thần Sa (Võ Nhai) vào Khu di tích khảo cổ học Mái Đá Ngườm vẫn là đường đất, lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa khô. Hầu như tại cuộc tiếp xúc cử tri nào, nhân dân trong xã đều có ý kiến phản ánh. Thế nhưng đến nay, tuyến đường này vẫn chưa được quan tâm đầu tư.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2009, tuyến đường từ xã Cúc Đường đến UBND xã Thần Sa đã được trải nhựa, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, tuyến đường từ UBND xã Thần Sa vào Khu di tích khảo cổ học Mái Đá Ngườm vẫn là đường đất. Đây không chỉ là đường trục chính của xóm Kim Sơn mà còn là đường liên huyện nối liền với xã Văn Lăng của huyện Đồng Hỷ. Nhiều năm qua, việc đi lại của người dân xóm Kim Sơn, Hạ Sơn Tày, Hạ Sơn Dao gặp rất nhiều khó khăn do đường bị xuống cấp.

Ông Mai Văn Hanh, xóm Kim Sơn, một hộ dân có nhà ở cạnh tuyến đường này cho biết: Vì đây là tuyến đường nối với xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) nên lượng xe đi qua đây khá lớn. Xe ô tô đi qua đã tạo thành nhiều hũng sâu. Vào mùa mưa, những hũng này đầy nước, chỗ không có nước thì lầy lội, trơn trượt ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân, nhất là các cháu học sinh ở 2 xóm Hạ Sơn Tày, Hạ Sơn Dao ra trung tâm xã học. Đợt diễn tập chiến đấu trị an năm 2018, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long đã phối hợp với người dân xóm Kim Sơn san gạt, trải một lớp đất, đá lên tuyến đường, việc đi lại thuận lợi hơn. Thế nhưng, đến nay, trên tuyến đường lại xuất hiện những ổ trâu, ổ gà mới tạo thành những vũng nước trong mùa mưa, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Bản thân tôi cũng như người dân trong xóm rất mong Nhà nước sớm quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường này...

Điều đáng nói, tuyến đường này đi qua Khu di tích khảo cổ học Mái Đá Ngườm. Đây là nơi người nguyên thủy đã sống liên tục trong thời gian dài, là nơi mà các phát hiện khảo cổ học quan trọng góp phần minh chứng sự xuất hiện và phát triển liên tục của con người thuộc các nền văn hóa khảo cổ trên đất Việt Nam, từ núi Đọ qua Thần Sa, Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn... để bước sang thời sơ sử - thời đại kim khí gắn với nền văn hóa Đông Sơn rực rõ. Nơi đây trở thành địa điểm có ý nghĩa đặc biệt trong việc tìm hiểu về lịch sử tiến hóa của con người nguyên thủy trên đất Việt Nam nói riêng và cả cùng Đông Nam Á nói chung. Chính vì vậy, năm 1982, Khu khảo cổ học Mái Đá Ngườm đã được xếp hạng khu di tích cấp Quốc gia, trở thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử của huyện Võ Nhai. Tuy nhiên, do đường sá đi lại khó khăn nên nơi đây chưa thu hút được nhiều du khách.

Ông Đồng Văn Lan, Phó ban Quản lý di tích xã Thần Sa cho biết: Trên địa bàn xã Thần Sa hiện có khá điểm di tích, thắng cảnh hấp dẫn và ý nghĩa hút khách du lịch như: Thắng cảnh thác Mưa rơi, thác Bẩy tầng và đặc biệt là Khu di tích khảo cổ học Mái Đá Ngườm đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Những năm qua, nhiều đoàn du khách đến Thần Sa có ý định lên tận nơi Khu di tích này, song do thấy đường đi lại khó khăn nên lại thôi. Đó là một điều rất đáng tiếc cho phát triển du lịch ở xã nói riêng, huyện Võ Nhai nói chung. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm đầu tư con đường vào khu di tích được rộng rãi, phong quang hơn để thu hút du khách đến nơi này.

Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho biết: Hầu hết tại các cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND các cấp, người dân trong xã đều đề nghị tỉnh quan tâm sớm triển khai xây dựng tuyến đường này để việc đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn, đồng thời có điều kiện tốt hơn trong việc khai thác tiềm năng du lịch đối với Khu di tích khảo cổ học Mái Đá Ngườm. Người dân xóm Kim Sơn còn đề nghị xã, huyện cho bà con đăng ký làm đường theo nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tuyến đường này nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết sô 71/2015/NQ-HĐND ngày 12-5-2015 về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và được UBND tỉnh phê duyệt danh mục tại Quyết định số 2153/QĐ-UBND ngày 25-8-2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, đến nay, tuyến đường này vẫn chưa được đầu tư nâng cấp. Chúng tôi cũng mong rằng, các cấp, các ngành ở tỉnh, huyện quan tâm sớm thực hiện Dự án này.