Hiện nay, các xã của T.P Thái Nguyên đều đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) chỉ rộng 2-3m, không còn phù hợp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và yêu cầu tiêu chí về nông thôn trong giai đoạn tiếp theo. Hiện, Thành phố đang tích cực nâng cao chất lượng tiêu chí này.
Mới đây, đến một số xóm của xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên), chúng tôi được chứng kiến phong trào làm đường GTNT khá rầm rộ. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức thông tin: Mặc dù địa phương đã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2016, nhưng một số tuyến đường liên xóm còn nhỏ, hẹp, không đáp ứng với việc đi lại. Nhất là hiện nay, nhiều hộ dân trong xã mở rộng phát triển các trang trại, gia trại thì việc chuyên chở hàng hóa, vật tư, máy móc phục vụ sản xuất rất khó khăn. Trước thực tế này, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Đảng ủy xã Thịnh Đức đã có nghị quyết về việc mở rộng và xây dựng đường GTNT. Để thực hiện, xã đã triển khai đến các xóm trên địa bàn đăng ký xây dựng, mở rộng đường; tuyên truyền để người dân hiểu, tích cực hiến đất làm đường, nộp tiền đối ứng. Nhờ công tác tuyên truyền thực hiện tốt, nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Như việc mở rộng tuyến đường xóm Cây Thị mới đây, Ban Chi ủy xóm đã bàn bạc kỹ lưỡng, dân chủ, công khai nên người dân đồng tình ủng hộ, đồng tình đóng góp tiền đối ứng, gần 30 hộ dân trong xóm đã tự nguyện hiến trên 1.000m2 đất vườn và đất ruộng để làm đường.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, không riêng xã Thịnh Đức, thời gian qua, phong trào làm đường GTNT trên địa bàn Thành phố diễn ra khá tích cực. Với cơ chế hỗ trợ 70-30 (nguồn ngân sách của Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đóng góp kinh phí đối ứng 30% và tự giải phóng mặt bằng), chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, các xã trên địa bàn Thành phố đã nâng cấp, mở rộng được trên 60km đường giao thông liên xóm, ngõ, xóm, đường trục chính nội đồng; gần 3 km đường nối giữa các xã.
Để có những tuyến đường GTNT khang trang, rộng rãi, địa phương đã huy động bằng nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện. Trong đó, nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương là gần 10 tỷ đồng; nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh là gần 16 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí mua xi măng) và nguồn ngân sách của Thành phố hỗ trợ là gần 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của Phòng Kinh tế Thành phố cũng cho thấy, hiện nay nhu cầu làm đường GTNT của các xã còn rất lớn (khoảng 40% tuyến đường GTNT cần được nâng cấp, mở rộng). Tại các cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, cử tri các đơn vị, đặc biệt là các xã mới sáp nhập về Thành phố, như: Linh Sơn, Huống Thượng, Sơn Cẩm đều kiến nghị, mong muốn được tu sửa mở rộng hoặc làm mới đường GTNT, đặc biệt đối với các tuyến đường liên xóm và các tuyến đường vào khu sản xuất tập trung.
Để cải tạo, mở rộng các tuyến đường, nâng cao tiêu chí về giao thông và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân các xã, lãnh đạo T.P Thái Nguyên cho biết, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên xã, liên xóm, giao thông nội đồng. Về cơ chế, tiếp tục áp dụng hỗ trợ 70% kinh phí, nhân dân đối ứng 30% và tự giải phóng mặt bằng làm đường. Cùng với đó, Thành phố sẽ bố trí thêm kinh phí để xây dựng bổ sung hệ thống biển báo đường bộ trên các trục đường chính tại các xã nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường trồng cây xanh 2 bên đường tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp cho các xã vùng ven đô thị.