Hoạt động kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có nhiều bất cập. Tình trạng xe khách chạy tuyến cố định, xe buýt dừng đón trả khách không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tại T.P Thái Nguyên (TPTN). Điều này đã gây mất trật tự mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, gây bức xúc trong nhân dân và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải…
Kỳ 1: Lộn xộn thiếu kiểm soát
Phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm tốc độ, đỗ dừng - đón trả khách không đúng nơi quy định... là những vi phạm xe vận tải khách trên địa bàn tỉnh thường xuyên mắc phải. Lực lượng chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song chủ yếu vẫn là vấn đề văn hóa giao thông chưa được người dân cũng như doanh nghiệp vận tải quan tâm…
Dừng đón trả khách không đúng quy định
Toàn tỉnh hiện có 20 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách với 365 đầu phương tiện chạy tuyến cố định. Mặc dù, xe khách chạy tuyến cố định có số lượng đầu xe lớn nhưng chất lượng lại chưa tương xứng khiến nhiều người dân chưa thực sự muốn sử dụng dịch vụ vận tải này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến tình trạng xe đón, trả khách sai quy định, chạy kiểu “rùa bò” gây ùn tắc giao thông. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi có mặt tại Bến xe khách trung tâm TPTN, nơi hiện có 108 doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Quyến, Phó Giám đốc Bến xe cho biết: Tại Bến, mỗi ngày có khoảng 422 chuyến xe xuất bến tỏa đi 118 tuyến. Để đảm bảo quyền lợi cho hành khách, Bến xe yêu cầu các phương tiện khi xuất bến trên xe phải niêm yết các nội dung gồm: Điểm đầu và cuối của tuyến; tên, số điện thoại của doanh nghiệp; giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ khách trên hành trình... Tuy nhiên, khi xe rời Bến, mọi việc lại không đảm bảo như vậy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ trong một buổi sáng, dọc theo Quốc lộ (QL) 3 cũ hướng về T.P Sông Công, T.X Phổ Yên,chúng tôi ghi nhận hàng chục lượt xe khách chạy tuyến cố định dừng, đón trả khách không đúng nơi quy định. Đặc biệt, hiện nay, một số điểm đón trả khách “chui” nhưng hoạt động rất ngang nhiên như: Trước cổng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp; ngã tư Sông Công (T.P Sông Công)… Để “đón khách” dọc đường, các xe này sau khi xuất bến chạy với tốc độ “rùa bò”, nhất là trong phạm vi từ 5-10km đầu. Điều này, gây bức xúc cho hành khách và những phương tiện tham gia giao thông khác trên đường, bởi nguy cơ cao mất an toàn giao thông và ùn tắc cục bộ.
Không riêng tuyến QL 3 cũ, tại QL 37, đoạn qua địa phận huyện Đại Từ, tình trạng xe chạy tuyến cố định dừng, đón trả khách sai quy định hoạt động cũng khá phổ biến. Trong vai hành khách hỏi đi xã Cù Vân (Đại Từ) - cách TPTN khoảng 17km, chúng tôi liên hệ với nhà xe Thành Nguyên chạy tuyến TN - Hà Giang thì được biết: Chuyến xe khởi hành sớm nhất từ Bến xe khách trung tâm TPTN bắt đầu vào lúc 5 giờ 30 phút, tuy nhiên phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đến được xã Cù Vân. Khi được hỏi về điểm dừng, đón trả khách thì chủ nhà xe này khẳng định có thể đón, trả bất cứ nơi nào, trừ những vị trí có lực lượng công an đứng trực.
Lỗi vi phạm về dừng, đón trả khách không đúng quy định cũng xuất hiện trên tuyến QL 3 mới Hà Nội - TN. Nhất là đoạn gần Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) và Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên). Xe khách nào đi qua cũng dừng lại chào đón khách. Gầm cầu vượt nào cũng đông người chờ xe, xe ôm, taxi đứng chờ khách, tràn cả ra lòng đường. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm này của các lực lượng chức năng lại không thường xuyên, nên gây bức xúc và lo lắng cho người dân về sự an toàn khi tham gia giao thông.
Xe buýt "nằm lì" chờ khách
Cùng với xe khách chạy tuyến cố định, xe buýt cũng là phương tiện vận tải công cộng hoạt động nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của hành khách. Tỉnh ta bắt đầu phát triển và đưa xe buýt vào khai thác kể từ năm 2006, đến nay, toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt với 158 đầu phương tiện, hoạt động trên 11 tuyến. Mặc dù so với xe khách chạy tuyến cố định việc dừng, đón trả khách của xe buýt được đánh giá là ít vi phạm hơn, song không phải không có. Theo quan sát của chúng tôi nhìn chung việc dừng đón trả khách của các hãng xe buýt trong khu vực nội thành của các thành phố chấp hành tương đối nghiêm túc, thế nhưng, tại các huyện như Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ… tình trạng vi phạm lại diễn ra khá phổ biến. Khảo sát thực tế trên nhiều chuyến xe buýt 06 (TN - Định Hóa), đoạn đường từ ngã ba Quán Vuông - Thị trấn Chợ Chu (Định Hóa); xe buýt 09 (thị trấn Trại Cau - KCN Yên Bình) đoạn từ xã Nam Hòa - thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ), chúng tôi ghi nhận được nhiều điểm dừng đón trả khách sai quy định.
Còn trong khu vực nội thành, mặc dù các hãng xe buýt thường không đón, trả khách sai vị trí nhưng lại xuất hiện tình trạng dừng, đón trả khách lâu để tranh giành khách. Trong đó, đáng nói có hai tuyến xe buýt 06, 30 (TN Định Hóa) của hãng xe buýt Hà Lan và xe buýt số 28 (TN - Bắc Kạn) của hãng xe buýt Huy Hiệp. Tại điểm đón trả khách đối diện cổng Trường Đại học Y Dược TN, theo ghi nhận của chúng tôi, vào ngày 2-11, các xe buýt số 28 mang BKS 20B-014.04; số 06 BKS 20B-015.28; số 28 mang BKS 20B-014.84… dừng, đón trả khách với khoảng thời gian trung bình từ 4 đến 6-7 phút mới đi. Tuyến số 06, 30 và số 28 có hành trình chạy trùng nhau đến 60% tuyến đường, nên thường xuyên xảy ra tình trạng “tranh nhau” dừng chờ đón khách, thậm chí sẵn sàng “đè đầu” nhau để giành khách. Có lúc, xe nối đuôi nhau dừng thành hàng tại điểm gây mất an toàn giao thông. Các điểm dừng đỗ lâu tại trục đường Lương Ngọc Quyến, Dương Tự Minh, đường Thống Nhất, xã Cổ Lũng, thị trấn Đu (Phú Lương). Ngoài ra, một số tuyến xe buýt khác như: 08 (Bình Long - KCN Yên Bình), 09 (Trại Cau - KCN Yên Bình) cũng thường xuyên dừng đỗ thời gian dài ở các điểm dừng đón trả khách tại KCN Yên Bình, T.X Phổ Yên. Thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, Sở Giao thông Vận tải còn phát hiện một số tuyến có xe đi sai lộ trình để đón, trả khách. Về thực trạng xe buýt “nằm lì” tại các điểm đón, trả khách, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Phương tiện và Người lái (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Sở cũng nhận được đơn phản ánh việc về việc này, song chúng tôi rất khó xử lý. Bởi, theo Nghị định số 46/2016/NĐCP của Chính phủ chỉ quy định lỗi vi phạm dừng quá 3 phút đối với xe khách, còn xe buýt thì chưa có quy định nên không có căn cứ xử phạt”.
Ông Trần Văn Thẩm, Tổ 10, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên): Nhà tôi ở cạnh QL.3 cũ, dọc theo đoạn đường này nhiều hành khách đón không đúng điểm, nhưng nhà xe vẫn dừng, đón bình thường. Nhiều khi xe khách đang chạy với tốc độ nhanh nhưng khi thấy khách vẫy dọc đường vẫn đột ngột dừng lại, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. |
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, tổ 8, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ): Đi xe buýt sẽ giúp tiết kiệm chi phí, đỡ vất vả cho mình nhưng xe buýt hiện nay chất lượng còn kém, nhiều tuyến vẫn chưa khai thác hết, đặc biệt thời gian di chuyển còn lâu nên tôi ít sử dụng loại hình phương tiện này. |