Đau đớn, hoảng loạn, ám ảnh, day dứt, hối hận, tiếc nuối… tất cả những cảm xúc đáng sợ nhất với bất cứ một ai ấy lại luôn hiện hữu sau mỗi vụ tai nạn giao thông. Nó dày vò cả người gây ra tai nạn và người bị tai nạn.
Trong ngôi nhà đại đoàn kết, dù không mới nhưng các bức tường còn nguyên màu xi măng, thằng bé khóc ngằn ngặt trên tay bà nội. Người phụ nữ ngoài lục tuần cố nén nước mắt nựng cháu “ngoan ngoan bà thương”. Hình như thằng bé thèm hơi mẹ nên luôn miệng gọi “mẹ, mẹ” dù tiếng mẹ còn chưa sõi. Bà Lý Thị Đồng, xóm Đồng Luông, xã Tân Long (Đồng Hỷ) phải bế cháu đến trước bàn thờ, chỉ lên di ảnh con dâu giọng tắc nghẹn: “Nín đi con, mẹ kia, mẹ kia rồi”. Đôi mắt tròn xoe, trong veo ầng ậc nước của thằng bé dừng ánh nhìn trên di ảnh, nín lặng vài giây rồi càng khóc dữ dội hơn. Bà Đồng lúc này cũng không ghìm lòng được nữa, nói trong nước mắt: “Thằng bé vừa biết gọi mẹ được vài ngày thì mẹ đã không còn để gọi rồi”. Cảnh tượng ấy khiến những người chứng kiến không thể cầm lòng.
Người trên di ảnh là chị Hoàng Thị Nhung, sinh năm 1986. Sáng 16/5/2019, cũng như mọi ngày, chị Nhung đi làm. Khi chị đi bộ sang đường (đoạn đường thuộc xóm La Tân, xã Quang Sơn) để chờ xe đón công nhân thì bất ngờ bị chiếc xe ô tô lao trực diện vào người. Trút hơi thở cuối cùng, chị Nhung bỏ lại 2 con nheo nhóc cùng hoàn cảnh thiếu trước hụt sau cho chồng. Ngày xảy ra tai nạn, 2 con của anh chị, cháu nhỏ Tăng Minh Đức mới 18 tháng tuổi, cháu lớn Tăng Công Lý, 11 tuổi (Lý bị khuyết tật từ nhỏ).
Người gây ra vụ tai nạn đó là Nguyễn Văn P. (T.P Thái Nguyên). Sáng hôm đó, P. điều khiển xe ô tô đi trên Quốc lộ 1B để tới chỗ làm, theo hướng Thái Nguyên đi Lạng Sơn. Đến đoạn đường xóm La Tân, do thiếu quan sát, P. đã không kịp phanh và đâm vào chị Nhung khi đó đã đi sang được 1/2 đoạn đường dành cho người đi bộ. Mặc dù P. đã ngay lập tức đưa chị Nhung đến bệnh viện cấp cứu nhưng do đa chấn thương nặng chị Nhung đã tử vong ngay sau đó.
Gặp chúng tôi trước ngày diễn ra phiên tòa xét xử, P. luôn cúi đầu thật thấp, bàn tay trái siết chặt cổ tay phải như ghìm cảm xúc lại, cố để che dấu sự run rẩy của mình trước mặt người khác. Nhưng sự run rẩy ấy vẫn hiển hiện trong ánh mắt và giọng nói của P. Giọng P. rất nhỏ, phải lắng nghe lắm tôi mới có thể không bỏ sót những lời P. nói: Em mất hết rồi, công việc hơn 10 năm theo đuổi. Em sợ khi nghĩ đến sẽ phải làm mọi thứ từ đầu. Nhưng nỗi sợ đó cũng không ám ảnh bằng hình ảnh của chị Nhung khi em bế chị từ dưới đường lên để đi cấp cứu. Suốt gần 50 ngày bị tạm giam, đêm nào em cũng mơ thấy những hình ảnh đó. Em muốn nói lời xin lỗi chị Nhung, xin lỗi gia đình chị và xin lỗi cả gia đình em. Nhưng em biết là có nói gì thì cũng quá muộn rồi…
“Mất hết rồi…” P. nói với chúng tôi nhưng dường như là tự nói với mình, bởi dù khi đó phiên tòa xét xử chưa diễn ra thì có lẽ P. đã hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của hành vi do mình gây ra. Sau khi gây tai nạn, P. đã chủ động ra đầu thú, đồng thời tác động để gia đình mang số tiền 174 triệu đồng đến thăm hỏi và bồi thường cho gia đình nạn nhân. Gia đình chị Nhung cũng đã có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho P. Đó là những tình tiết có thể giúp P. giảm nhẹ hình phạt nhưng P. biết vẫn có một bản án không hề nhẹ đợi chờ mình, bởi khi gây tai nạn trong máu P. có chất ma túy. Đó sẽ là điều khiến P. phải trả giá đắt hơn.
Theo lời kể của P, trước đó khoảng 3 - 4 ngày, P. có đi dự sinh nhật một người bạn tại một quán trên đường Bắc Sơn (T.P Thái Nguyên). Tại đây, nhóm bạn trong đó có P. đã sử dụng ma túy dạng kẹo. Và đó cũng là lần đầu tiên P. sử dụng loại chất cấm này. Theo kết luận giám định mẫu máu P. được lấy vào buổi chiều cùng ngày P. gây tai nạn, trong máu P. có chất Ecstasy (thuộc nhóm MDM, thuộc danh mục I các loại chất ma túy cấm sử dụng).
Ngày xử án, với những tình tiết đã được chứng minh, hành vi của P. đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án cho rằng: “Trong thời gian gần đây, thực trạng sử dụng chất ma túy và các chất kích thích khi tham gia giao thông đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do vậy, cần thiết phải áp dụng hình phạt tù, buộc cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian mới đủ tác dụng giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa tội phạm chung”. Kết quả, xét xử sơ thẩm, P. bị kết án 24 tháng tù.
Thời hạn P. mất tự do có thể chỉ là 24 tháng, nhưng những hậu quả và nỗi ám ảnh vì đã gây ra cái chết cho chị Nhung sẽ còn theo P. đến hết cuộc đời. Vì một lần ham vui cùng chúng bạn, chỉ vì một phút lơ là, P. đã khiến một người chồng mất vợ, 2 đứa trẻ mất mẹ, những ông bố, bà mẹ mất con gái, con dâu vĩnh viễn...
Nhìn bé Lý vụng về rửa, úp mấy chiếc bát cái lành, cái sứt ngoài sân giếng, tôi thấy như có một thứ gì đó sắc, nhọn găm sâu vào lồng ngực. Rửa bát xong, Lý chào bà nội, chào tôi dắt xe đi học. Con ngõ nhỏ như gồ ghề, chênh vênh hơn dưới đôi chân không hoàn thiện của em.