Tại tỉnh ta, tai nạn giao thông (TNGT) 11 tháng qua tuy đã giảm về số vụ và số người chết so với cùng kỳ, song số vụ liên quan đến học sinh lại tăng cao. Do đó, cùng với việc tăng cường triển khai các phương án tuần tra, kiểm soát nhằm đảm bảo TNGT thì công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng để các em có thêm kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tai nạn…
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), 11 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 155 vụ TNGT, so với cùng kỳ giảm 3 vụ và giảm 4 người chết. Trong đó có 36 vụ liên quan đến học sinh ở độ tuổi dưới 18, tăng 5 vụ so với năm 2018. Nguyên nhân là do sự phát triển kinh tế, mức sống của người dân được nâng cao đã thúc đẩy số lượng phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là số học sinh tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe đạp điện trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông trong những năm qua đã phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Cùng với đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của nhiều người chưa nghiêm. Các em học sinh có thể là nạn nhân hoặc bản thân các em gây tai nạn cho người khác. Theo lời các đồng chí cảnh sát giao thông thì trong quá trình làm nhiệm vụ, các lỗi vi phạm về ATGT mà các em học sinh thường mắc phải là: Không đội mũ bảo hiểm, chạy xe hàng 2, hàng 3, vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, lạng lách, đánh võng, chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn… Mặc dù công tác tuyên truyền về ATGT trong học đường đã được các cấp, ngành, đơn vị, trường học quan tâm, song hiệu quả lại chưa được cao.
Ðược tham gia một buổi tuyên tuyền Luật Giao thông đường bộ cho gần 400 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Thái Nguyên do Ban ATGT tỉnh phối hợp với Head Vinamotor Thái Nguyên phối hợp tổ chức trung tuần tháng 10 vừa qua, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về những khó khăn của người làm công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này. Nội dung tuyên truyền có nhiều đổi mới, sát với thực tế nên các em rất hào hứng khi tham gia giao lưu, trả lời câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, các em còn được trải nghiệm, thực hành lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn thông qua hệ thống lái xe Riding Trainer. Em Hứa Thị Ly Ly, học sinh lớp 10A1 cho biết: Qua buổi tuyên truyền về ATGT, em nhận thức được sự nguy hiểm khi không chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ. Buổi tuyên truyền giúp em có thêm nhiều kiến thức về Luật Giao thông, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành của bản thân khi tham gia giao thông.
Với cách diễn đạt gần gũi, dễ hiểu và nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, hấp dẫn như hỏi đáp, đố vui của cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Giao thông, Ban ATGT tỉnh hy vọng sẽ giúp các em học sinh nắm được thông tin cơ bản về kiến thức pháp luật, trật tự ATGT.
Nói về việc tuyên truyền giao thông trong trường học, thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền cho biết: “Trường đặc biệt quan tâm và liên tục có những buổi sinh hoạt chuyên đề, hoạt động ngoại khóa để phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan đến trật tự ATGT cho học sinh. Nhà trường cũng đã cho học sinh ký cam kết không vi phạm về ATGT và phụ huynh cũng ký cam kết không giao xe cho học sinh khi chưa đủ tuổi… Thế nhưng, do lứa tuổi các em còn ham chơi nên thường quên những lời nhắc này”. Anh Nguyễn Tiến Hoàng, cán bộ Trung tâm Văn hóa và Thông tin T.P Thái Nguyên chia sẻ: “9 năm gắn bó với Đội tuyên truyền sân khấu hóa giao thông, chúng tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để mỗi kịch bản, mỗi vai diễn phải vừa dung dị, chân thật nhưng lại mang “chất teen” để các em học sinh dễ gần, dễ hiểu và cảm nhận được những điều chúng tôi muốn truyền tải”. Còn Đại úy Nguyễn Nam Hưng, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) lại trăn trở: Phổ biến ATGT cho học sinh nói là dễ, nhưng thực ra lại rất khó vì các em học sinh ở độ tuổi rất nhạy cảm, tâm hồn các em lúc này dễ bị tổn thương. Thay vì răn đe, trách phạt… chỉ nên nhắc nhở các em một cách nhẹ nhàng, tình cảm để các em hiểu và nhớ được những quy định của pháp luật về ATGT. Cùng với đó, ở ngoài đường, đôi khi chính các bậc phụ huynh không làm gương cho con mỗi lần tham gia giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm, hoặc chở hai, ba người trên xe máy, khiến các con cũng có suy nghĩ lệch lạc trong nhận thức.